Khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Việt Nam - Ảnh: VEFAC |
Sau khi đọc bài Bình chọn sự kiện tiêu biểu: sao phải cố bầu cho đủ? và ý kiến của ông Trần Đăng Khoa - trưởng ban tổ chức cuộc bình chọn 10 sự kiện VH-TT&DL tiêu biểu 2015 trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-12, tôi xin được tham gia ý kiến tranh luận với ông Khoa về việc chọn Nhà VN tại Expo Milan 2015, với tư cách là một người đã tham quan Pavilion VN hai lần (Thượng Hải 2010 và Milan 2015). Những ý kiến tranh luận nầy chỉ xoay quanh những câu trả lời của ông trong bài báo.
1. Ông Khoa phát biểu: "Không phải bỗng dưng các tạp chí kiến trúc nổi tiếng thế giới lại đưa nhà tre VN tại Expo 2015 ra trang bìa, lãnh đạo, chính khách của Ý, Anh đánh gái tốt đẹp về ngội nhà tre của VN ở Expo 2015". Xin chú ý: Chỉ đưa ảnh và khen thiết kế nhà tre chứ không phải Pavilion VN.
Tôi thấy, nên phân biệt rõ: "Ngôi nhà VN tại Milan 15" chỉ nói về kiến trúc ngôi Nhà tre của KTS Nguyễn Trọng Nghĩa chứ không phải toàn bộ hoạt động của VN trong "Nhà VN (Pavilion VN) tại Expo" (Những họat động nầy bao gồm triển lãm, buôn bán và văn nghệ. Xin phép được dùng chữ Pavilion VN được dùng trong Expo để tránh nhầm lẫn với Kiến trúc ngôi nhà). Bởi vì, tôi thấy ban tổ chức đang lập lờ việc các tờ báo và chính khách nước ngoài đánh giá cao về thiết kế ngôi nhà tre của KTS Nguyễn Trọng Nghĩa chứ không phải hoạt động của "Pavilion VN tại Expo".
Và tôi rất mong ban tổ chức đọc lại tất cả bài viết về Pavilion VN tại Milan có đầy trên mạng trước khi phát biểu về việc quốc tế đánh giá về Pavilion VN.
2. Ông Khoa cho rằng "Nhà VN tại Expo đã đón 5 triệu lượt khách tham quan. Nếu nó không tương xứng thì có được 5 triệu lượt khác tham quan trong sáu tháng tại triển lãm hay không?"
Tôi xin phản bác ông Khoa luận điểm nầy:
Ban tổ chức căn cứ vào đâu để nói có 5 triệu lượt khác tham quan "Nhà VN"? Mà nếu đúng như con số này thì mỗi ngày Pavilion VN phải tiếp 27.700 lượt người xem (nếu mở cửa luôn tất cả các ngày suốt 6 tháng). Trong khi đó, diện tích Nhà VN quá nhỏ, chỉ có "552 m2 diện tích sàn toàn khu nhà mà phải dành cho 45m2 cho khu ẩm thực và thương mại, khu vực sảnh của Nhà triển lãm chủ yếu phục vụ cho chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc nên phải có một không gian thông thoáng đủ chỗ cho khoảng 100 người đứng" (báo cáo của Trung tâm hội chợ triển lãm VN ngày 14-8, báo Người Lao động) Báo NLĐ).
Một ngày Pavilion VN đón 27.700 lượt khách tham quan (bao gồm cả việc xem văn nghệ chỉ đủ chỗ đứng cho 100 khách trong vòng nửa giờ, một ngày ba xuất - nghĩa là một ngày đã mất hơn một giờ rưỡi cho khoảng 400 người xem văn nghệ) có thể nói chỉ là con số của tưởng tượng.
Và thêm câu hỏi nữa, 5 triệu lượt khách đi ngang qua ngôi nhà tre hay là vào tham quan Pavilion Việt Nam? Con số nầy thì có thể vì đây là con số khách tham quan toàn bộ các Pavilion trong Expo Milan.
Trong báo cáo gửi Bộ VHTTDL, Nhà VN tại EXPO 2015 đã thừa nhận có bày biện một số sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc và đã thu hồi toàn bộ - Ảnh: Nguyễn Thị Kiều Oanh |
3. Ông Khoa cho rằng "trang phục được cho là có ảnh hưởng của thời trang Trung Quốc thật ra là trang phục của người Tày VN".
Đề nghị ông Khoa nên đọc lại báo cáo của Trung tâm hội chợ - triển lãm: "Riêng những sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc được giới thiệu và bày bán tại Nhà Triển lãm sẽ được VEFAC thu lại, không cho tiếp tục trưng bày nữa". Và tôi đề nghị ông Khoa nên xem lại hình ảnh các báo đã đưa trước khi phát biểu để cho chính xác hơn.
Tôi không quan tâm lắm đến các sự kiện bình chọn, cùng lắm để biết cho vui. Nhưng lần nầy, liên quan đến việc VN tham gia Expo Milan bộc lộ rất nhiều cái rất "quảng cáo hội chợ" (xem bài) tốn hết 3 triệu USD thế mà các ông ngành văn hóa vẫn cố đưa nó vào sự kiện văn hóa tiêu biểu thì tôi thấy cần phải lên tiếng vì rất ít người VN được tham quan hội chợ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận