Nếu bệnh viện nào cũng quan tâm đến nhà vệ sinh: người dọn vệ sinh nhiều và làm thường xuyên thì chắc chắn nhà vệ sinh sẽ không trở thành nỗi ám ảnh của biết bao người - Ảnh: Tư liệu
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến "nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn", dư luận lại dậy sóng vì 1 câu chuyện đã cũ nhưng chưa bao giờ hết nóng.
Nỗi khổ, nỗi kinh hoàng mang tên nhà vệ sinh bệnh viện đã ám ảnh không biết bao nhiêu người đã từng trải qua dù chỉ 1 lần.
Nguyên nhân của cái sự mất vệ sinh ở nơi cần vệ sinh sạch sẽ nhất là bệnh viện này thì có nhiều, trong đó nhiều người chỉ trích sự thiếu ý thức của người bệnh và thân nhân - những người đi nuôi bệnh nhân.
Nhưng theo tôi, ý thức của người bệnh và thân nhân không phải là điều không thể thay đổi, cũng không mất quá nhiều thời gian để thay đổi.
Sự thật thì dù ở cùng một thành phố, cũng những người dân đó nhưng trong khi ở bệnh viện công, nhà vệ sinh bẩn kinh hoàng thì ở bệnh viện tư, nhà vệ sinh lại sạch như ở nhà.
Vậy cứ nhà vệ sinh bẩn là lại đổ tội cho người bệnh và thân nhân thiếu ý thức liệu có oan không? Và tại sao nhà vệ sinh ở bệnh viện tư lại sạch? Lẽ nào bệnh nhân của bệnh viện tư đều là những người có ý thức tốt còn những người ý thức kém ở hết bệnh viện công rồi?
Tôi không may đã phải ra vào nhiều bệnh viện từ Bắc đến Nam để thăm nuôi người nhà bị ốm và để chữa trị cho bản thân.
Từng phải bịt mũi, nín thở, cố nén cơn buồn ói khi phải ra vào nhà vệ sinh bệnh viện công nhưng lại thoải mái thư giãn, hài lòng vui vẻ khi vào nhà vệ sinh ở bệnh viện tư, tôi thấy rằng điểm chung của các nhà vệ sinh của bệnh viện công là chỉ được dọn dẹp theo lịch có sẵn.
Thông thường các nhà vệ sinh của bệnh viện công dù là khu khám hay khu điều trị thường được dọn ngày 2 lần. Trong khi đó ở bệnh viện tư, nhà vệ sinh ở khu khám vốn đã rất nhiều lại còn được dọn liên tục.
Gần như lúc nào cũng có nhân viên túc trực dọn dẹp, lau rửa, chỉnh quạt để làm khô sàn nhà. Ở các phòng điều trị trong bệnh viện tư, mỗi ngày nhà vệ sinh được dọn dẹp 3, 4 lần.
Nhà vệ sinh bệnh viện công thường hay hết giấy nhưng đầy rác, xà bông dạng cục hay dạng nước cũng là món xa xỉ.
Đó là chưa nói đến chuyện nhiều bệnh viện công dù khá mới nhưng nhà vệ sinh lại làm theo kiểu cũ, người sử dụng phải múc nước dội chứ không phải chỉ cần ấn nút hay cần gạt.
Trong khi đó ở bệnh viện tư, xà bông dạng nước luôn được đổ đầy bình, máy sấy tay sẵn sàng phục vụ. Ở thành phố tôi sống, bệnh viện tỉnh và 1 bệnh viện tư lớn luôn đông đúc bệnh nhân nhưng nhà vệ sinh ở hai nơi này thì hoàn toàn trái ngược nhau.
Ở bệnh viện tư không tồn tại những phòng vệ sinh được khóa cửa và dán giấy "chỉ dành cho nhân viên bệnh viện".
Theo tôi, một bộ phận bệnh nhân và người nhà còn kém ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Tuy nhiên chính vì những nhà vệ sinh bẩn (mà đa phần là bệnh viện công) làm cho ý thức của người sử dụng đã kém lại càng thêm tệ.
Và những người khác dù có ý thức và muốn giữ vệ sinh cũng không thể làm được gì.
Thử hình dung, khi bạn vào một căn phòng vệ sinh bé tí tẹo, rác tràn đến miệng thùng, cống nước bị tắc thì bạn sẽ làm gì sau khi giải quyết xong "nỗi buồn" của mình nếu không phải là lại làm tăng thêm sự kinh hoàng của căn phòng ám ảnh đó?
Dù muốn dội sạch nước sau khi sử dụng nhưng nếu cái ca múc nước lại nằm dưới đáy xô thì bạn phải làm sao? Bạn có dám chắc mình sẽ xắn tay áo lên, thọc tay vào xô nước chắc chắn là bẩn đó để cố lấy cái ca múc nước hay là đành tặc lưỡi "thôi kệ" rồi bỏ chạy cho nhanh?
Những người dù có kém ý thức tới đâu nhưng khi bước vào một nhà vệ sinh sạch sẽ, thơm tho cũng sẽ phải suy nghĩ, đắn đo để dù có không cố tình, họ vẫn sẽ phải hành xử một cách văn minh.
Cho dù bạn có là người quen ở bẩn tới đâu nhưng nếu ngay trước mắt có thùng rác chỉ cần đạp chân là nắp mở thì liệu bạn có ném rác ra ngoài không?
Câu nói "hoàn cảnh xô đẩy chứ nào đâu muốn thế" theo tôi là đúng trong câu chuyện nhà vệ sinh bệnh viện bẩn.
Nếu bệnh viện công cũng quan tâm đến nhà vệ sinh như bệnh viện tư: số lượng nhiều, người dọn vệ sinh nhiều và làm thường xuyên thì chắc chắn nhà vệ sinh sẽ không trở thành nỗi ám ảnh của biết bao người.
Nếu các vị lãnh đạo, quản lý bệnh viện xem câu chuyện nhà vệ sinh là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và hình ảnh của bệnh viện mình thì không phải là không giải quyết được một vấn đề "biết rồi khổ lắm nói mãi" này.
Làm sao để nhà vệ sinh bệnh viện không còn là nỗi ám ảnh của người dân? Giải pháp không có nhà vệ sinh dành riêng giám đốc bệnh viện, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện liệu có khả thi? Mời bạn hiến kế cho Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận