Ảnh nhà thơ Phùng Quán trong quyển sách - Ảnh: TR.MẶC chụp lại
Buổi tọa đàm với chủ đề Nhà văn - phẩm chất và tài năng do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức đã diễn ra vào sáng 26-8 tại TP.HCM nhân dịp ra mắt quyển sách Nhà văn và chữ tình gởi lại của giáo sư, tiến sĩ - nhà văn Trình Quang Phú.
Cùng với nhà văn Trình Quang Phú, buổi tọa đàm quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ cùng sự xuất hiện của các khách mời đặc biệt là con cháu của các nhà văn, nhà thơ có tên trong quyển sách Nhà văn và chữ tình gởi lại.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - chia sẻ: "Nhân cách và tài năng của những chân dung nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh tên tuổi được nhà văn Trình Quang Phú khắc họa trong quyển sách chính là chữ tình như tên của quyển sách.
Chữ tình vừa sâu vừa rộng. Chữ tình chính là nguồn cơn, vừa là sự thôi thúc sự sáng tạo. Chữ tình được thể hiện không chỉ bằng con chữ. Chữ tình còn chính là sinh mệnh của những văn nghệ sĩ đồng hành cùng cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại của dân tộc".
Ảnh: TRẦN MẶC
Nói riêng về chữ tình, tác giả Trình Quang Phú cho rằng có chữ tình là có sự đoàn kết, có sự hợp sức. Và nhờ có chữ tình, mọi người có thể chung tay với nhau để làm những việc lớn cho đất nước, cho sự nghiệp của Tổ quốc. Cũng theo đó, ông hình dung những phẩm chất mà nhà văn cần có phần lớn đều quy về chữ tình.
Nhà báo Lưu Trọng Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư) chia sẻ: "Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau và con đường khác nhau. Có khi vì những con đường khác nhau, họ không lấy chữ tình làm gốc, từ đó trở thành nghi kỵ và xa cách nhau. Chữ tình là cái quan trọng nhất.
Như cha tôi, ít khi dùng chữ tình mà ông dùng chữ thương. Vì vậy ông mới có câu thơ "Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ/ Vì thương người lắm, mới say thơ".
Ông không làm thơ vì là thơ, không làm thơ vì chứng tỏ tài thơ, mà vì thương người. Ông ấy có năng lực làm thơ thì ông lấy thơ để tỏ tình thương người. Vì vậy, quán xuyến cả cuộc đời ông là chút thương đó, chỉ có chút thương thôi".
Vì lẽ đó, những nhân vật như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân cho đến Văn Cao, Quang Dũng, Thu Bồn... dù đã đi xa nhưng vẫn luôn được nhiều thế hệ độc giả nhớ đến. Họ là những nhà văn sinh ra từ chiến tranh, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, giữa sống - chết và đói khát, nhưng luôn giữ cho mình những năng lực về tài năng và phẩm hạnh tốt đẹp.
Nhà văn và chữ tình gởi lại của giáo sư, tiến sĩ - nhà văn Trình Quang Phú là bức chân dung hồi ức về những nhà văn, nhà thơ tên tuổi của nền văn học Việt Nam như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Quang Dũng...
Ngoài ra, quyển sách còn chứa đựng nhiều bức ảnh giá trị của một số văn nghệ sĩ bấy giờ. Từ những tấm ảnh chân dung của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Anh Thơ... cho đến những bức ảnh trèo đèo, lội suối của các nhà văn trong rừng sâu với những gian nan, hiểm nguy.
Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh nhận xét: "Đây là tài liệu văn học quý, bổ sung cho tiến trình viết lịch sử văn học nước nhà, nhất là bộ phận văn học cách mạng và kháng chiến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận