Nhà văn Trang Thế Hy (trái) nhận loạt sách mới in từ đại diện NXB Trẻ - Ảnh: L.Điền |
Sáng 27-10, loạt sách vừa in “nóng hổi” kịp chuyển đến phường Phú Tân, TP Bến Tre - nơi ông “đi chỗ khác chơi” từ hơn 20 năm nay.
Ðây là niềm vui lớn nhất kể từ ngày ký giao kèo nhượng quyền sử dụng toàn bộ tác phẩm cho NXB Trẻ: bốn tập sách đầu tiên đã ra đời trong diện mạo mới, các tập truyện có phụ bản minh họa, tập thơ in hai màu, song ngữ Việt - Anh.
Trong ngôi nhà đơn sơ, cánh xuất bản và báo chí vây quanh “ông già văn chương” bên những chồng sách còn thơm mùi mực mới.
Có ai đó thốt lên: Chuyến này trông chú Tư “khá” hơn hôm ký bản quyền. Phải rồi, hôm nay ông tự gượng đứng lên đi từ nhà trong ra nhà ngoài theo yêu cầu của đài truyền hình, không như hôm nọ “cặp chưn” ông bị yếu, khi ngồi muốn đứng dậy phải có người đỡ.
Kể ra, món quà sinh nhật tuổi 90 đến sớm hơn hai ngày, dự kiến hội văn nghệ địa phương sẽ tổ chức lễ sinh nhật cho ông đúng vào ngày 29-10.
Còn hôm nay, cùng với niềm vui ánh lên trong mắt, nhà văn Trang Thế Hy ngồi giở từng tập sách mới in, ký vào tập thơ song ngữ tặng hai dịch giả là Nguyễn Bá Chung và Martha Collins. Hai nhà thơ ở Mỹ, hâm mộ ông nên đã dành hẳn một tháng trời dịch tươm tất 13 bài thơ trong tập Ðắng và ngọt. Dịch không tính công, chỉ cần làm sao xin giùm chữ ký của ông Trang Thế Hy trên bản sách gửi qua Mỹ là được.
Một tin vui đến từ nửa vòng Trái đất: tạp chí Tupelo Quarterly (tupeloquarterly.com) vừa nhận đăng ba bài thơ (bản dịch Anh ngữ) của nhà văn Trang Thế Hy: Dấu răng, Tấm vé số và những thiên đường có sẵn và Người bạn đường có tên là hi vọng.
Tin này do dịch giả Nguyễn Bá Chung báo với NXB Trẻ, nếu tiến triển tốt, đây sẽ là bước đệm để có một tập thơ Anh ngữ của Trang Thế Hy được xuất bản tại Mỹ.
Nhưng vui hơn tất cả có lẽ chính là tấm lòng người hâm mộ dành cho ông.
Nhận tấm khánh vàng của NXB Trẻ có dòng chữ “Kính mừng thượng thọ chú Tư Sâm (nhà văn Trang Thế Hy)”, ông nhắc vẫn còn một tiểu thuyết của ông chưa tìm được đầy đủ toàn văn.
Rồi như nhớ lại, ông nhắc “tìm giùm tôi truyện ngắn có tên Mười ba con chim và mùa xuân, ký tên Vũ Ái Văn”.
“Bộ nhớ” ông vẫn minh mẫn theo chiều hồi cố, ông nhớ từng câu thơ Tagore, từng đoạn văn ông viết từ mấy chục năm trước, trong khi liên tục quên chi tiết “ngày 27-10” khi ký tên lên sách.
Dù vậy, khi được hỏi trong nghề viết của mình, điều gì được lấy làm kim chỉ nam, ông bảo: “Yêu thì nói yêu, ghét thì nói ghét. Tôi tự dặn lòng như vậy”.
Và ông nói thêm: “Chỉ cần có một người chịu đọc mình, cũng là xứng đáng để cho mình viết rồi”. Nói xong, ông cười sảng khoái - một nụ cười hồn nhiên như thể trẻ thơ...
Những chắt lọc trong 50 năm cầm bút Bốn tập sách của Trang Thế Hy tái bản lần này gồm: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát (tập truyện), và tập thơ Ðắng và ngọt. Cả ba tập truyện là những tác phẩm ông viết trong thời gian từ năm 1954 đến 1992 - thời điểm ông tự “đi chỗ khác chơi” - về quy ẩn tại quê nhà. Không gian truyện của ông trải từ đô thị Sài Gòn đến bưng biền kháng chiến vào thập niên 1960-1970, và cả sau ngày giải phóng miền Nam. Văn ông có nét tài hoa của người sành ngôn ngữ từ chân chất địa phương Nam bộ đến các kỹ thuật lột tả cảm xúc tâm hồn. Lại có những cấu tứ đời thường mà cao thủ - hết sức khéo léo khi đặt vấn đề trách nhiệm của người làm nghệ thuật với đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo (như truyện Tiếng khóc và tiếng hát). Tập thơ Ðắng và ngọt là những chắt lọc riêng trong 50 năm cầm bút của ông. Những vần thơ chiêm nghiệm cuộc đời, không nhiều, nhưng là phần không thể thiếu làm nên cốt cách “người hiền của văn chương Nam bộ” trong ông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận