11/03/2007 01:27 GMT+7

Nhà văn Trang Thế Hy: Tôi chung thủy nhưng hờ hững...

NGUYỄN HỒ
NGUYỄN HỒ

TT - Năm 1992, đột ngột rời bỏ chốn đông vui ngay giữa trung tâm quận 3, TP.HCM, ông bảo “đi chỗ khác chơi”. Vậy rồi ông đi, tưởng là đi chơi ít lâu rồi lại về. Chẳng dè ông đi lâu thật lâu, đi từ tuổi 66 đi sang tuổi 81 mới lại thấy ông trở về thăm chốn cũ. Ngày đầu tiên, ông đến Củ Chi.

PGHfKmAX.jpgPhóng toTrang Thế Hy, phút cao hứng với văn chương... - Ảnh: Tự Trung

Người hiền của văn học Nam bộ

1. Chiếc áo ông mặc rộng rinh, vẫn còn nguyên nếp gấp như thể đã gấp từ lâu lắm. Gầy ốm hơn, sạm đen hơn, nhưng không thấy ông già đi bao nhiêu. Hay là bởi ông vẫn minh mẫn, sắc sảo và hóm hỉnh quá.

“Hơn 40 năm tôi mới trở lại Củ Chi. Tất cả những gì đáng nhớ trong cuộc đời tôi đều xảy ra ở đây. Nhiều tác phẩm của tôi được viết từ đây. Nhân cách của tôi cũng được tinh luyện ở đây, từ những trải nghiệm trong cuộc chiến tranh ở một nơi khốc liệt, dữ dội và con người bị thử thách cũng mỗi ngày...” - nhà văn Trang Thế Hy giải thích về ngày đầu tiên của mình.

Cả mấy lớp hậu sinh (từ tuổi 60 đến tuổi 30) ngồi nghe ông kể chuyện xưa chuyện nay, chuyện đọc văn dùng chữ mà cứ ngỡ mình như tuổi học trò. Đang kể chuyện, bất ngờ ông nhìn sang mấy người viết báo, nói thủng thẳng: “Có người viết nói tôi thông thạo tiếng Pháp. Nói trật. Họ thấy tôi nghe tiếng Pháp thì nghĩ tôi thông thạo, nhưng tôi nghe là để luyện kỹ năng nghe, còn đọc sách là để nắm thêm ngữ pháp. Họ thương mình thì khen tặng mình vậy thôi”. Mấy kẻ hậu sinh chưa hết phân vân nhìn lại mình thì, lại bất ngờ ông bảo, “thơ tình không ai qua được Tagore”.

Ông say sưa đọc những bài thơ của thi hào Ấn Độ do ông dịch, mắt lấp lánh ánh nhìn tinh quái. Nhưng giọng ông nhỏ lắm, phải thật tĩnh lặng mới nghe được tiếng thơ nhỏ nhẹ ấy:

Ở nơi nào mà mọi con đường được vạch sẵnTôi đi lạcHãy nhìn trời xanh và biển khơiĐâu có lằn vạch nàoTôi hỏi trái tim tôiCó phải máu của mi có huyền năng làm cho đôi mắt nhìn thấy được lối đi ẩn khuất…

Ông lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và cho ra đời những truyện ngắn đầy bất ngờ đối với khán giả cũng như làng văn cả nước: Quê hương thứ hai của người du kích, Bên miệng hố bom đìa, Chuyện nhỏ trên đường dây... trở thành những món đặc sản của văn chương kháng chiến.

Cũng là chuyện về những người chiến sĩ bình thường đó thôi, nhưng những truyện ngắn của ông vừa lãng mạn vừa thâm trầm. Cứ thế, văn chương của ông phát triển lặng lẽ, sâu thẳm và lắng đọng trầm tích tạo thành sự nghiệp sống với thời ngay từ lúc nào không biết, từ Nắng đẹp miền quê ngoại cho tới Mưa ấm, từ Anh Thơm râu rồng cho đến Tiếng khóc và tiếng hát và điểm ngưng đọng là tập “Nợ nước mắt” và những truyện ngắn khác.

Ông viết không nhiều về số lượng, không viết cho thị hiếu, thời thượng, chỉ viết cho người đọc tự giác nhất và cho chính mình, bất kể qui luật cung cầu của thị trường chữ nghĩa. Trong đời sống thường ngày cũng thế, ông không có cuộc sống nào khác ngoài sống với văn chương và nhân thế, viết và sống đối với ông bao giờ cũng chỉ là một, chỉ có một.

2. * Nhiều người vẫn còn thắc mắc về câu nói “đi chỗ khác chơi” của ông…

- Chùm chữ này tôi có được từ lời khuyên của một nghệ sĩ già, ông bảo, “khi nào con viết hết được rồi thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình...”.

“Chỗ khác” ở đây, với tôi, chỉ là một nơi nào đó, không phải là môi trường văn chương Sài Gòn. Sau này, có người lại diễn giải là tôi muốn đi ở ẩn. Điều đó không đúng, trong thế giới này làm sao tìm được một nơi ở ẩn. Cọp còn không tìm được chỗ ở ẩn trong rừng sâu, cá còn không tìm được chỗ ở ẩn ngoài biển khơi, thì tôi làm sao tìm được chỗ ở ẩn trong cái cõi “lắm người nhiều ma” như cách nói của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

* 15 năm, ông có “chơi” được gì nhiều ở “chỗ khác” ấy không ông?

- Những chỗ khác mà tôi gặp sau khi rời Sài Gòn không nhiều. Xét về mặt trải nghiệm, tôi cũng thu lượm được nhiều chất liệu để làm văn chương nhưng tôi không viết được gì thêm nhiều. Một phần do sức khỏe giảm sút. Mặt khác, bẩm sinh tuy có được tạo hóa nhểu cho vài giọt nhỏ năng khiếu nhưng bản thân tôi không phải là người có ý chí mạnh.

Còn đối với nghề văn, tôi thiếu sự đam mê, nên giai đoạn sau này cũng không viết được gì. Mới gần đây, trong một cuộc trò chuyện, có người khen tôi là người xả thân với văn chương, tôi phải đính chính liền. Tôi bảo, nếu ví văn chương là một người đẹp thì tôi là người tình chung thủy nhưng hờ hững, thiếu đam mê.

* Nhưng, đọc văn ông, người đọc thấy ông là người nghiêm cẩn với nghề...

- Không, tôi thiếu sự đam mê. Nhưng tôi có cố gắng để giữ những gì mình viết luôn chân thật. Cũng có người hỏi , khi ngồi trước trang giấy ông tự dặn dò mình điều gì. Tôi chỉ có một câu trả lời thôi: Những điều mình chưa yêu mến, hoặc chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến nó.

* Những cây bút thế hệ sau mình, ông có đọc họ không?

- Có chứ, tôi còn ráng đọc nhiều, không dám lười. Trước đây tôi rất thích truyện ngắn của Phạm Thị Minh Thư. Có một đêm như thế là một trong không nhiều truyện ngắn hay tôi đọc trong đời tôi. Nhưng sau đó thì không thấy gì nữa, tôi buồn ghê lắm, không biết cô ấy có buồn không. Sau này tôi có đọc Nguyễn Ngọc Tư. Tư đã đi được những bước đáng kể lắm rồi. Tôi đang rất hi vọng.

* Rời khỏi một thành phố nơi nhiều người đã biết đến tên tuổi và tầm vóc của nhà văn Trang Thế Hy, để đến một nơi hẻo lánh, nghèo khó, chưa chắc đã có nhiều người đọc văn mình, có khi nào ông băn khoăn hay nuối tiếc vì quyết định của mình?

- Hoàn toàn không. Tôi nhớ tới một câu nói của Lỗ Tấn, “biết rằng có vài ba người đọc mình cũng đủ đem đến cho tôi một niềm vui lớn rồi”. Còn một nhà văn Nga thì nói: “Chỉ cần biết có một người chịu khó đọc mình cũng đủ thấy rằng công lao của mình bỏ ra khi ngồi trước trang giấy đã được đền đáp tốt”. Tôi thích những câu nói đó.

* Vậy thì nhà văn Trang Thế Hy quả thật đã được đền đáp rất tốt. Nhưng mới đây, nhân việc trao Giải thưởng nhà nước, nhà văn Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tư tưởng-văn hóa trung ương, trả lời phỏng vấn báo chí, có bảo rằng tiếc cho Trang Thế Hy chưa có tên trong đợt này. Cùng với một vài tên tuổi khác, tên ông lại vắng mặt, làm người đọc ông lâu nay cũng tiếc, thấy tiếc cho một giải thưởng. Còn ông?

- Tôi không muốn trả lời câu hỏi này, nhưng không phải không có ý kiến gì cả trước vấn đề này.

* Ông có thể nói về ý kiến của ông được không?

- Tôi cũng không muốn nói lúc này.

3. Nhà văn già lão tỏ ý muốn đứng dậy. Mệt mỏi và rụt rè, ông xua tay, bảo đừng chụp hình nữa, “không nên để người đọc nhìn thấy vẻ ốm yếu của mình”. Sức nặng của thời gian như vừa đổ ập lên đôi vai ông mảnh khảnh. Chắc ông ngại tuổi già làm thất vọng bạn đọc của mình - những người đọc đã trót nặng lòng với cái ngạo nghễ và u buồn, vừa lịch lãm, uyên thâm, lại vừa nồng nàn dân dã trong những truyện ngắn Trang Thế Hy.

Người hiền của văn chương Nam bộ, nhà văn Nguyên Ngọc đã gọi ông như thế.

Người hiền ấy độc đáo và quí hiếm, ông chẳng muốn bàn luận nữa về chuyện được mất hơn thua. Nhưng những ai đã đọc ông, biết ông thì áy náy lắm. Sẽ còn có rất nhiều lý do về sự vắng mặt của người này người khác, nhưng một giải thưởng xứng đáng phải tìm được những người xứng đáng để trao gửi. Đó không chỉ là quyền lợi của người được nhận mà còn là quyền lợi của chính giải thưởng...

Trang Thế Hy lững thững bước đi. Bất ngờ ông quay lại, giọng rất nhỏ:“Tôi chợt nhớ tới cách nói của một nhà văn Pháp. Người ta thường nói chậm như rùa, chậm như ốc sên, còn ông ấy, ông Anatole France ấy lại nói “chậm như công lý”. Rồi ông cười hóm hỉnh, lại đi lững thững. Ông đi về nhà mình, căn nhà cũ liêu xiêu ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre...

NGUYỄN HỒ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp