26/08/2021 13:50 GMT+7

Nhà văn Trần Nhã Thụy và 'Trụ lại Sài Gòn': Vượt qua thử thách sẽ tìm thấy bình yên

MI LY thực hiện
MI LY thực hiện

TTO - Sau một tuần kêu gọi, Trần Nhã Thụy - một trong những thành viên chủ chốt của "Trụ lại Sài Gòn" - vui mừng công bố chương trình quyên góp được hơn 500 triệu đồng và sẽ tiếp tục chuyển tiền giúp đỡ bà con trong những ngày "ai ở đâu ở yên đó".

Nhà văn Trần Nhã Thụy và Trụ lại Sài Gòn: Vượt qua thử thách sẽ tìm thấy bình yên - Ảnh 1.

Tranh họa sĩ Trần Trung Lĩnh vẽ tặng chương trình "Trụ lại Sài Gòn"

Từ ngày 18-8, khi thấy hình ảnh những người cha, người mẹ trẻ cùng con đùm túm về quê nhưng rồi phải ở lại TP.HCM, chịu cảnh thiếu ăn thiếu mặc, nhà văn Trần Nhã Thụy cùng bạn bè, thành viên CLB Về với quê mình mở nhóm vận động quyên góp để thực hiện chương trình "Trụ lại Sài Gòn".

Nhiều người cha người mẹ đã khóc...

* Nhóm "Trụ lại Sài Gòn" đã quyên được hơn nửa tỉ đồng để giúp bà con. Cảm nghĩ của anh lúc này thế nào?

- Thật sự là bất ngờ, xúc động. Nói đúng hơn là biết ơn. Bất ngờ nhất là nhóm bạn văn Hải Dương đã đồng hành, kêu gọi thiện tâm, trong vòng 3 ngày mà đã góp hơn 100 triệu đồng.

Thú thật khi nhận tin này tôi mừng muốn khóc luôn. Mừng không phải vì số tiền quá lớn mà vì thấy tình thương, niềm tin vẫn còn đó, giữa những ngày mà lòng tốt bị hoài nghi, bị tổn thương.

* Anh chia sẻ dù là nhà văn "chuyên viết fiction" nhưng anh cũng không hình dung hết những cảnh đói khổ mình gặp khi làm chương trình. Đó là những hoàn cảnh như thế nào?

- Do là người phụ trách chính chương trình nên tôi vừa kêu gọi đóng góp, vừa kết nối các nhóm thiện nguyện, vừa nhận các cuộc gọi, tin nhắn rồi xác minh, xin địa chỉ, số tài khoản... Cho nên dù không gặp hết từng người nhưng tôi có cảm giác mình đang đi giữa hàng trăm số phận. Không nói hết được.

Khi chọn đối tượng chính là những người trẻ về quê bất thành, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ đang nuôi con nhỏ, tôi thấy linh cảm và phán đoán của mình không sai. Đây là những con người cần được giúp đỡ nhất lúc này, chỉ xếp sau bệnh nhân COVID-19 mà thôi.

Nhiều bạn là mẹ là cha đã khóc với tôi khi nói rằng bọn em đói khát sao cũng được, nhưng để con đói ăn khát sữa không đành. Sau những tháng dài thất nghiệp, tiền nong cạn kiệt, lúc này nhiều bạn còn không có tiền trong tài khoản điện thoại.

Nói như vậy để chúng ta hình dung. Khi nhận được tiền, các bạn liền chạy đi mua sữa cho con, rồi chụp hình "báo cáo" với chúng tôi. Xúc động lắm

Những câu chuyện trong đại dịch ám ảnh tôi

* Nhiều độc giả cho rằng sau thời gian này, hẳn phải có những tác phẩm văn học lớn để khắc họa một giai đoạn lịch sử không thể nào quên. Hiện thực dịch bệnh khốc liệt tác động ra sao đến động lực sáng tác của các nhà văn?

- Có một số đồng nghiệp cũng nói với tôi như vậy. Nhưng thật ra thì tôi không phải là một "cây bút hiện thực xã hội". Dĩ nhiên, hiện thực xã hội, đặc biệt là những câu chuyện trong đại dịch này, sẽ ám ảnh tôi, nhưng khi viết tôi sẽ chọn một góc nhìn khác. Tôi đã suy tư về "cái tứ" đó rồi, nhưng xin phép giữ bí mật.

Nhà văn Trần Nhã Thụy và Trụ lại Sài Gòn: Vượt qua thử thách sẽ tìm thấy bình yên - Ảnh 2.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nói thế thôi, chứ lúc này tâm trạng đâu mà sáng tác...

* Khi thành phố siết chặt giãn cách từ ngày 23-8, công việc của nhóm "Trụ lại Sài Gòn" bị ảnh hưởng như thế nào?

- Thực ra ngay từ lúc đầu chúng tôi đã dự tính tình huống này. Việc trao gạo và thực phẩm là nhờ có một đội xe bán tải của các tình nguyện viên (vốn là các giám đốc trẻ của một số công ty tại Sài Gòn). Các xe này có giấy thông hành và các bạn này làm tình nguyện viên hoàn toàn, kể cả tiền xăng các bạn cũng bỏ tiền túi. Nếu như không có các bạn này, chúng tôi không thể làm được gì.

Ai cũng biết hiện nay vấn đề đi lại khó khăn thế nào. Cho nên đây mới chính là những người hùng thầm lặng, họ xứng đáng được ca ngợi hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng họ tình nguyện đứng phía sau, không thích nói về mình.

Trở lại câu hỏi thì thực tế chúng tôi thực hiện chuyển khoản là chính. Cho nên sau ngày 23-8 chúng tôi tiếp tục chuyển khoản. Có tiền trong tài khoản để bà con cảm thấy yên tâm, rồi từ từ tính tiếp.

Tôi thấy mình may mắn trụ lại được đất Sài Gòn

* Bốn chữ "Trụ lại Sài Gòn" đã là thử thách, là động lực. Cái tên anh chọn cho chương trình không chỉ ý nghĩa trong thời COVID-19 mà còn với bất cứ ai đến lập nghiệp ở Sài Gòn. Trong góc nhìn của anh, "Trụ lại Sài Gòn" khó đến mức nào?

- Tôi ở Sài Gòn đã 30 năm. Tôi thấy mình may mắn trụ lại được đất này. Nếu như lúc này tôi chỉ vào Sài Gòn được vài ba năm, còn tay trắng, vợ con nheo nhóc thì chắc tôi cũng tìm đường về quê. Đại dịch COVID-19 là một tình cảnh chưa từng có của nhân loại. Lúc này mọi thứ không nên đo lường bằng cảm xúc thông thường.

* Anh muốn nhắn gửi điều gì với Sài Gòn và những người dân đang kiên cường trụ lại nơi này?

- Tôi nghĩ giờ không chỉ riêng Sài Gòn mà nơi nào cũng đang phải chịu thử thách. Khi chúng ta vượt qua thử thách thì chúng ta tìm thấy bình yên. Còn chúng ta cứ mãi chạy trốn nó thì nó cứ đuổi sau lưng. Trái đất này đang chịu thử thách, chứ không riêng một nơi chốn nào.

Họa sĩ nhí Xèo Chu đấu giá tranh được gần 23.000 USD từ sàn giao dịch NFT Họa sĩ nhí Xèo Chu đấu giá tranh được gần 23.000 USD từ sàn giao dịch NFT

TTO - Sau Phong Lương, Tú Na, họa sĩ nhí Xèo Chu vừa thu về gần 23.000 USD (quy đổi) từ bức tranh 'Hoa mai may mắn' trên sàn giao dịch điện tử NFT.

MI LY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp