Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ngợi ca nhà văn Sơn Tùng là ‘Nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bám được vào đời bằng nghề viết’ - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Sơn Tùng vừa ra đi ở tuổi 93. Không ngạc nhiên khi làng văn, làng báo cùng đồng loạt chia sẻ những lời ngợi ca ông về văn nghiệp và đặc biệt là nhân cách, khí tiết của một nhà văn đặc biệt, một tấm gương lớn về ý chí sống và sức sáng tạo.
Tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Sơn Tùng đã tham gia vào cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trong thế kỷ XX.
Cuối năm 1971, ông lui lại hậu phương với 14 vết thương khắp cơ thể, nhiều mảnh đạn trong sọ não không thể phẫu thuật lấy ra được, tay trái co quắp, tay phải chỉ còn ba ngón tay cử động, thị lực còn 1 phần 10, mất 81% sức khỏe. Thỉnh thoảng ông lại bị động kinh. Nhưng ông không đầu hàng số phận.
Ông tự tập khí công và thiền định, tìm cách khôi phục dần sức khỏe. Đầu những năm 1970 ấy, vượt qua nghèo đói, gian khó, bệnh tật cùng người bạn đời tận tụy, ông tranh thủ mọi thời khắc ít bị hành hạ bởi thương tật để cầm bút viết bằng 3 ngón tay co quắp còn có thể cử động.
Có những lúc bà Phan Hồng Mai, vợ ông, phải buộc chồng vào ghế để phòng kiệt sức ông không bị ngã; song nhiều lần bà vẫn phải chứng kiến cảnh ông cầm bút khi máu từ đầu ông chảy ướt cả vai áo.
Để viết Búp sen xanh, ông - một thương binh mất 81% sức khỏe - vẫn cùng vợ từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Đồng Tháp, Vũng Tàu, Huế suốt 3 tháng để kiểm chứng và tìm thêm tư liệu.
Với nghị lực phi thường như vậy, từ năm 1974 đến khi còn tỉnh táo, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, ký, thơ, kịch bản.
"Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hằng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới…
Ông đã dạy cho tôi về sự kiên định khổ luyện trên con đường văn chương, đến sự rộng mở bao dung trong tâm hồn, lòng nhân hậu, sự biết ơn cuộc đời, sự quan tâm đến những con người đau khổ", nhà văn Thiên Sơn nhớ về tác giả Búp sen xanh với lòng kính trọng sâu sắc.
Năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - một người bạn thân thiết, thủy chung từ trong bom đạn, người đã cõng nhà văn Sơn Tùng băng qua những cánh rừng xơ xác tới bệnh viện dã chiến nơi chiến trường miền Nam đầy bom đạn - đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, một danh hiệu thật xứng đáng với người từ lâu đã là "anh hùng về nhân cách và phẩm giá con người" trong mắt đồng nghiệp và nhân dân.
Trong lễ trao tặng danh hiệu, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc đó là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có phát biểu cảm động và chính xác về tác giả Búp sen xanh: "Nhà văn viết bằng tài năng, viết bằng cảm xúc thăng hoa thì có nhiều. Nhưng nếu ai muốn biết nhà văn đã viết bằng máu như thế nào thì xin hãy đến gặp Sơn Tùng…".
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhà văn Sơn Tùng ngồi trên xe lăn - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà chật nhưng lòng nhà văn lại rộng thênh thang với bạn bè văn chương, với những số phận long đong bởi thời cuộc. Hằng tuần, căn phòng khách chưa tới 10m2 không kê nổi bàn ghế của nhà ông lại đón những người bạn văn tri kỷ đến đàm đạo như: Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Minh Giang, Siêu Hải, Hoàng Nhật Tân…
Một "Chiếu văn" như cách gọi của ông đã kéo dài nhiều năm trong một căn nhà hẹp nơi con ngõ có cái tên Văn Chương như một sự tương ngộ thú vị.
Trong tiểu thuyết Búp sen xanh, Sơn Tùng có câu mà ông thường lấy ra khi viết lời đề tặng sách cho bạn bè, hậu sinh: "Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù". Câu văn cũng chính là tuyên ngôn về nghề văn, về lẽ sống của con người nói chung.
Theo nhà thơ, nhà báo Trần Vũ Long, Sơn Tùng không chỉ nổi tiếng bởi tác phẩm để lại, ông đặc biệt được mọi người biết đến và kính trọng bởi nhân cách, khí tiết của một nhà văn sống ngay thẳng, dám nói và dám viết, như một đóa sen xanh.
Tác phẩm Búp sen xanh viết về Bác Hồ của nhà văn Sơn tùng đã được tái bản hàng chục lần - Ảnh: NXB Kim Đồng
Người viết về Bác Hồ lay động nhất
Là một con người xứ Nghệ có quan hệ họ hàng liên quan đến bên ngoại Bác Hồ (cụ nội nhà văn Sơn Tùng là cụ Hà Thị Lự chính là cháu họ của cụ Hà Thị Hy - thân mẫu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) nên nhà văn Sơn Tùng dành rất nhiều công sức để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp văn học với 21 tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng, có tới 13 tác phẩm viết về Hồ Chí Minh.
Ông được đánh giá là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ, người viết về Bác Hồ nhiều nhất, thành công nhất, có sức lay động nhất.
Theo nhà văn Thiên Sơn, Sơn Tùng đã góp phần hé mở cánh cửa để người đọc dần dần có thể khám phá những miền tâm tư sâu thẳm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ viếng nhà văn Sơn Tùng sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 26-7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 8h30, an táng tại nghĩa trang quê nhà tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận