Phóng to |
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự chúc mừng nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: Hoàng Duy |
Chữ “xuân” ở đây không hề khuôn sáo, bởi vì trong mắt những người thân thiết của ông, ông như không có tuổi, ông như trẻ mãi không già. Cả cuộc đời ông có thể gói gọn trong một chữ ĐI, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
1
Nguyên Ngọc đi nhiều trên thực địa. Bàn chân ông đã in dấu khắp đất nước, không kể Tây nguyên là chốn thân thuộc như quê hương thứ hai, ông đã đi từ địa đầu Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, đã dọc ngang trên rừng dưới biển. Ông đã đi rộng trong văn hóa, đọc nhiều, dịch nhiều, hăm hở mang kiến thức của nhân loại đến mọi người, nhất là những nghiên cứu dân tộc học, và miệt mài ứng dụng những điều đã đọc, đã biết vào những vấn đề cấp thiết của cuộc sống hiện tại.
Ông đã đi sát đời sống của nhân dân, của những người dân bình thường, nhất là người dân Tây nguyên, để hiểu rõ, hiểu sâu những nỗi khốn khổ và bức xúc của họ, và tìm cách nói cho họ những mối quan tâm lo lắng không chỉ về cuộc sống thường ngày mà còn về chuyện bản sắc, tinh thần, tâm linh.
Ông đã đi sâu trong tư duy, trong cách nghĩ từ những vấn đề trọng đại, lớn lao của đất nước đến những lo âu thiết thực của người dân phải đối mặt với bao khó khăn vất vả đời thường.
Người đi là người có sức khỏe, không chỉ khỏe cơ thể mà cái chính là khỏe tinh thần, một đầu óc luôn không ngớt đặt câu hỏi về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nguyên Ngọc là Người Đi, đặt trong hệ thống Người Làm, Người Chơi. Cho đến cả dịp sinh nhật tuổi 80 của ông vẫn là đi.
2
Đi lên Pleiku (Gia Lai), trở về mảnh đất đã nuôi dưỡng ông thành một con người của Tây nguyên, một nhà văn của Tây nguyên. Ông đã xúc động trào nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời, trong tình cảm ấm áp thành thực của đồng bào đồng chí Gia Lai, Kon Tum đón mừng ông như đón một người con của núi rừng, một người dân của buôn làng. Ông càng xúc động hơn nữa khi thế hệ trẻ hôm nay là các cháu học sinh, sinh viên đến để được nhìn thấy ông, trò chuyện cùng ông, xin ông chữ ký vào tác phẩm Đất nước đứng lên.
Đặc biệt, có hai chị em tên Nguyên và Ngọc do bố yêu quý nhà văn nên lấy tên ông đặt tên con mình đã lên chào ông và đưa sách cho ông ký tặng. Rồi hai chị em Pơ và Panh, những người con gái Ba Na từng đóng vai trong phim Đất nước đứng lên, đã từ Kon Tum cùng bố mình về Pleiku chúc thọ Nguyên Ngọc... Sáng 4-9 tại Thư viện tỉnh Gia Lai, nhà văn Nguyên Ngọc đã thật sự vui sướng và hạnh phúc nhất. Ông đã khóc khi được trở về sống giữa lòng dân, được dân yêu quý mừng thọ...
Từ Pleiku đến Hội An đúng ngày sinh (5-9), nhà văn lại được sống trong bầu không khí xúc động, đầm ấm. Hội An là nơi ông cất tiếng chào đời và là nơi cuối đời ông về lại lập nên một trường đại học để giúp một vùng quê hương xây nền tảng tri thức bền lâu.
Nguyên Ngọc sẽ lại đón tuổi 80 của mình ở Hà Nội, trong gia đình tạp chí Tia Sáng. Tạp chí này đã dành hẳn một số cho ông với những bài viết của các đồng nghiệp. Họ không chỉ nói về ông mà còn cùng ông nói về những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Cũng trong dịp này, cuốn sách Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa đã ra mắt. Như lời giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nói trong lời cùng bạn đọc: “Vậy thì Nguyên Ngọc còn phải sống và “chiến đấu” dài dài cùng với chúng ta, không phải chỉ là để “Đi mãi... để còn thấy con tạo xoay vần đến đâu” mà còn để chứng kiến cuộc sống vẫn cứ lừng lững đi tới”.
Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa, đúng vậy. Ông là người đi đường không biết mỏi. “Đã bát tuần rồi Nguyên Ngọc ơi” - lời cảm thán của giáo sư Phạm Duy Hiển đã như nói thay mọi người lòng khâm phục trước một Người Đi quên tuổi tác, tháng năm. Đó là Nguyên Ngọc của chúng tôi, và của chúng ta.
Hội An mừng nhà văn Nguyên Ngọc 80 tuổi Chiều 5-9, đúng ngày nhà văn Nguyên Ngọc tròn 80 tuổi, tại Hội An - nơi nhà văn đang đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị Trường đại học Phan Châu Trinh, Thành ủy, UBND TP Hội An (Quảng Nam), ban giám hiệu Trường ĐH Phan Châu Trinh và bạn bè, đồng nghiệp, học trò... tổ chức mừng sinh nhật ông. Nhiều đồng nghiệp, thân hữu ở xa cũng kịp về phố cổ chia vui cùng ông như GS Chu Hảo, GS Phạm Duy Hiển, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nhà thơ Bùi Minh Quốc... Nhiều bạn bè ở xa không đến được cũng gửi nhiều lẵng hoa chúc mừng ông. Buổi mừng sinh nhật đã biến thành buổi gặp mặt ấm áp tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò. Tất cả đều dành cho ông những tình cảm sâu sắc, chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục dấn thân cho lớp trẻ, cho đất nước. Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự chúc mừng và khẳng định: Đất Quảng nói chung, Hội An nói riêng tự hào về nhà văn Nguyên Ngọc. Một con người đầy trí tuệ với một cái tâm sáng mà bất cứ khi nào gặp ông cũng gây cho người đối diện nhiều điều thích thú về những điều luôn mới ở ông. GS Chu Hảo nói ông rất vui được là bạn của nhà văn Nguyên Ngọc - một nhà văn lão luyện, một dịch giả tài hoa, một nhà hoạt động dấn thân trong đời sống giáo dục, đời sống văn hóa. Nguyên Ngọc dấn thân quyết liệt như đặc trưng của người Quảng Nam nhưng cũng hết sức hồn nhiên như ông vốn có. Chúc thọ mừng thọ nhưng không ai nói đến chuyện tuổi tác, sức khỏe, mọi người chỉ nói về một cuộc hành trình mà Nguyên Ngọc đã đi từ rất sớm và vẫn còn bước đi tiếp, cứ như tuổi 80 không là một gánh nặng thời gian. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận