Nguyễn Huy Thiệp ngoài tài văn còn rất ham vẽ trên đĩa gốm tặng bạn bè - Ảnh: Gia đình cung cấp
Con trai của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho biết đến trưa nay nhà văn vẫn ăn uống được, nhưng chiều nay thì nhà văn từ từ ra đi trong nhẹ nhàng, bên đông đủ con cháu.
Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra cùng gia đình tổ chức tang lễ cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dự kiến tại Nhà tang lễ quốc gia.
Vậy là tên tuổi đáng chú ý nhất văn đàn Việt Nam trong vài chục năm qua đã ra đi trong một ngày mưa u ám của Hà Nội.
"Sinh lão bệnh tử / Luật trời đã ban / Thì đành chấp nhận / Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi / Lòng buồn không tả nổi…".
Những câu thơ đã là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - khiến những người yêu thương ông và yêu tài văn của ông không khỏi đau thắt lòng.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách chiều 11-8-2020 tại nhà riêng - Ảnh: YÊN BA
Ông Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 20-4-1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì - Hà Nội.
Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. Đó là 10 năm ông “úp mặt vào núi mà đọc sách”.
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986. Ngay lập tức, ông trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi bởi một giọng văn “phũ”, dám đi đến tận cùng cái ác của con người để mà tiêu trừ nó.
Tên tuổi của ông gắn liền với các truyện ngắn như Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…
Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết, kịch bản, thơ, tiểu luận. Nhưng thành công hơn cả vẫn là truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản gồm: Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu.
Trong đó cuốn Tuổi 20 yêu dấu thành công hơn cả, cuốn sách ông viết từ nguyên mẫu là con trai của mình, một cậu trai đã bị cơn bão ma túy và cơn bão của thời đại đô thị hóa mạnh mẽ cuốn đi. Ông vẫn còn có một cuốn tiểu thuyết hoàn thành đã lâu nhưng chưa xuất bản.
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm về già đã thanh thản hơn với niềm vui chăm con, chăm cháu và học đạo - Ảnh: Gia đình cung cấp
Năm 2020, kỷ niệm 70 tuổi, Nguyễn Huy Thiệp cùng với nhà sách Đông A và những người bạn họa sĩ của ông đã cho ra đời một tuyển tập truyện ngắn chọn lọc với những tranh minh họa của những họa sĩ hàng đầu hiện nay như Lê Thiết Cương, Thành Chương, Đào Hải Phong, Đặng Xuân Hòa, Lê Trí Dũng, Phan Cẩm Thượng…
Cuốn sách tập hợp những truyện ngắn mà nhà văn ưng ý nhất, một cuốn sách ông gọi là “liên tài” khi tập hợp những họa sĩ xuất sắc nhất, cũng là bạn bè của ông ở Hà Nội, vẽ minh họa.
Từ hơn chục năm nay, ông hầu như gác bút, vui tuổi già với con cháu.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có văn và có tư tưởng. Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.
Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp chính là một nhà văn có tư tưởng. Không nhiều nhà văn Việt Nam có được điều này. Và cái đặc sắc làm lên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người.
Đó là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng. Tuy lột trần cái ác trong con người nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên nhìn thấy chất người trong mỗi con người, dù là một tên cướp.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh chụp năm 2008) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Không có cái gì là đơn giản, một chiều trong thế giới người ở văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn cũng nhìn ra phẩm chất này trong viết lách của Nguyễn Huy Thiệp, và ông cho rằng chính cái lúc mà cái ác bị phơi bày là lúc cái ác được tiêu diệt.
Ông nhận định: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng” (hay là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hằng năm, thì trong năm 1987 - và cả nửa đầu năm 1988 - người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp.
Nhắc tới anh, người ta nhớ Tướng về hưu gây xôn xao một dạo, bởi cách viết rạch ròi, trần trụi; nhớ Muối của rừng tưởng như không đâu, hóa ra lại đượm nhiều ngụ ý âm thầm; nhớ Một thoáng Xuân Hương lịch duyệt mang đậm phong vị kẻ sĩ Bắc Hà; nhớ Con gái thủy thần lẫn lộn hư thực, và liều lĩnh đến tùy tiện”.
“Đến cuối đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn đau đáu việc đào tạo viết văn trẻ”
Khi còn làm quản lí ở khoa Viết văn - Báo chí, tôi đã nhiều lần mời nhà văn tới khoa giảng dạy, nói chuyện, gặp gỡ sinh viên, cực kì thân thiết với khoa. Cho đến cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp vẫn đau đáu câu chuyện đào tạo thế hệ viết văn trẻ của đất nước.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một ông bạn rất giàu, sống một mình, có một trang trại rất lớn ở trên Láng - Hòa Lạc (Hà Nội). Ông ấy rất muốn mời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dựng một trung tâm văn chương - nghệ thuật ở đó.
Năm ngoái, khi tôi đến thăm nhà văn, thì ông - lúc đó trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê vì bệnh tật - vẫn rất để tâm câu chuyện này. Ông giục: “thằng Bách (con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - PV) và em tính toán xem sao, để lên trên đấy, cố gắng dựng một nơi đào tạo văn chương trẻ, để mình làm theo cách của mình”.
Lúc đó, ông yếu quá, cũng không dám hỏi han gì nhiều. Tôi bảo: Ý tưởng của anh rất hay, em sẽ cùng anh chia sẻ, gánh vác việc này. Hôm nào anh khỏe lên, chúng em sẽ dẫn anh lên trên đó để bàn bạc cụ thể”. Ý tưởng chưa thành thì ông đã mất.
Nhà phê bình Văn Giá, nguyên trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường đại học Văn hóa Hà Nội (TIẾU TÙNG ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận