30/10/2022 10:00 GMT+7

Nhà văn Michel Bussi: Tôi sẽ giới thiệu Hà Nội trong một tiểu thuyết

THANH THƯ thực hiện
THANH THƯ thực hiện

TTO - "Hà Nội chắc chắn là một thành phố đầy cảm hứng, tôi sẽ giới thiệu Hà Nội trong một tiểu thuyết tương lai của mình!" - tác giả tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của Pháp Michel Bussi nói trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Nhà văn Michel Bussi: Tôi sẽ giới thiệu Hà Nội trong một tiểu thuyết - Ảnh 1.

Nhà văn Michel Bussi ký tặng độc giả Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu - Ảnh: NHÃ NAM

Tuổi thơ của Michel sớm thiếu vắng người cha. Từ năm 6 tuổi, ông đã bắt đầu viết lách, sáng tác những câu chuyện có hơi hướng phiêu lưu trinh thám và đặc biệt thích tưởng tượng phần "hậu" cho các cuốn tiểu thuyết mình đặc biệt ưa thích chẳng hạn như Mùi hương của Patrick Suskind. 

Sau nhiều lần bị các nhà xuất bản từ chối, phải tới năm 2011, khi nhà văn đã 40 tuổi, Hoa súng đen mới bùng nổ như một hiện tượng văn học của năm và thực sự là một đền đáp ngọt ngào dành cho vị giáo sư địa lý mê văn chương này. Sau Hoa súng đen, bút lực sung mãn của ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tiểu thuyết thắng lớn về mặt thương mại và đoạt nhiều giải thưởng.

Dính bùa mê của Hoàng tử bé

* Chào mừng ông đến đất nước chúng tôi. Đây có phải lần đầu tiên ông đến Việt Nam?

- Vâng, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tôi. Việt Nam là một đất nước cuốn hút, trẻ trung và rất năng động. Tôi cảm thấy một sự náo nhiệt không chối cãi được và gặp nhiều gương mặt tươi cười! Trong buổi giao lưu với khoảng 200 độc giả ở Hà Nội, tôi ký tặng trong gần hai giờ đồng hồ, bạn đọc rất nhiệt tình.

* Tiểu thuyết mới nhất của ông xuất bản ở đây là Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé. Ông có thể chia sẻ cảm hứng sáng tác tiểu thuyết này của ông được không?

- Tôi đã luôn say mê kiệt tác Hoàng tử bé, và tôi đã nghiên cứu khá nhiều về cái chết bí ẩn của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry trong Thế chiến II, vào năm 1944, cùng chiếc phi cơ của ông. 

Tôi thấy có một sự trùng hợp lạ kỳ với cái chết của Hoàng tử bé: thân xác cậu vĩnh viễn biến mất không dấu vết! Và thế là tôi nảy ra ý tưởng kết hợp hai sự bí ẩn này để giả định rằng Saint-Exupéry che giấu một bí mật nào đó về cái chết của ông ngay trong kiệt tác văn chương ấy.

* Một nhân vật của ông trong tiểu thuyết Hoa súng đen (tác phẩm lấy tranh Monet làm cảm hứng) đã nhân danh tình yêu để cho mình làm mọi thứ. Gần đây, bức tranh của Monet treo ở bảo tàng bị tạt súp khoai tây. Ông nghĩ gì khi biết tin này?

- Tôi cho rằng tạt súp khoai tây hay bất cứ thứ gì khác lên một tác phẩm hội họa là một cách "chơi ngông"… nhưng tôi tin rằng phải có những cách thông minh hơn để tạo dựng tiếng vang, dù cho người ta có bào chữa bằng những lý lẽ và động cơ chính đáng. Tìm kiếm một đường lối quy phạm bao giờ cũng tốt hơn là khiêu khích.

Không bắt độc giả đọc tác phẩm chưa hoàn chỉnh

* Nhân nói về Hoa súng đen - một cuốn trinh thám ấn tượng và khó đoán với những ai mới đọc nó lần đầu. Khi bắt đầu tác phẩm, ông đã biết ngay thủ phạm hoặc kết quả, hay bản thân ông cũng đi tìm kiếm câu trả lời khi viết?

- Thủ phạm chỉ được xác nhận ở cuối tiểu thuyết… Cuốn sách này chứa đựng nhiều bí ẩn, song ngay từ đầu tôi tin rằng sức hấp dẫn của nó là ở chỗ mọi việc đều được giải quyết bằng một câu duy nhất! Khi đó, độc giả mới hiểu mình đã bị thao túng đến mức nào.

* Tác giả yêu thích của ông là ai? Ông có đọc những tác giả trinh thám bên ngoài nước Pháp không?

- Tôi nghĩ là Maurice Leblanc - người đã tạo ra nhân vật Arsène Lupin, một nhà văn quê Normandie như tôi, và là một trong những người khởi xướng tài năng nhất của thể loại tiểu thuyết trinh thám. Tôi luôn cố gắng đọc tiểu thuyết trinh thám của nước ngoài chứ không riêng gì trong nước Pháp và không hạn chế chỉ đọc tiểu thuyết trinh thám thôi đâu. Tuy nhiên, tôi không cuồng tiểu thuyết trinh thám Scandinavi lắm vì thấy nó quá lê thê.

* Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm viết của mình cho những tác giả viết trinh thám?

- Trước hết, bạn phải có sự độc đáo, biết phá vỡ các quy chuẩn, đừng chỉ "sao chép" những câu chuyện đã nhàm. Tiếp đó, bạn phải đổ nhiều công sức, đọc đi đọc lại nhiều lần. Đừng bao giờ bắt người khác đọc một tiểu thuyết mà bạn thấy chưa hoàn chỉnh.

Cuối cùng, phải tìm được một tiết tấu cho câu chuyện, giữa các cảnh hành động, đối thoại hoặc mô tả. Mỗi một tác giả có thể sáng tạo tiết tấu riêng nhưng phải kiểm soát được nó.

Giao lưu với độc giả ba miền

SACH

Hai trong sáu tác phẩm của Michel Bussi đã ra mắt độc giả Việt Nam - Ảnh: NỮ LÂM

Michel Bussi sinh năm 1965, là giáo sư địa lý tại Trường đại học Rouen, được độc giả quốc tế biết đến với vai trò tiểu thuyết gia trinh thám. Theo Figaro, Michel Bussi là tác giả người Pháp được đọc nhiều thứ hai trong năm 2019. Tác phẩm của ông đã được được dịch ra 34 thứ tiếng cũng như chuyển thể thành phim.

Tiểu thuyết gần đây nhất của ông là Nouvel Babel (tạm dịch: Tháp Babel mới), lấy bối cảnh một thế giới không có đường biên vào năm 2097, kết hợp giữa viễn tưởng và trinh thám. Các tác phẩm của ông đã xuất bản ở Việt Nam có: Hoa súng đen, Xin đừng buông tay, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằng trên cát, Kho báu bị nguyền rủa, Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé.

Chuỗi sự kiện giao lưu của Michel Bussi với độc giả Việt Nam, do Viện Pháp tổ chức, diễn ra ở Hà Nội (25-10), Huế (29-10), Đà Nẵng (31-10). Tại TP.HCM, buổi giao lưu diễn ra vào lúc 18h ngày 3-11 tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Nhà văn Marc Levy sang Việt Nam xem kịch Nhà văn Marc Levy sang Việt Nam xem kịch

TTO - Nhà văn Marc Levy dự kiến sẽ sang Việt Nam từ sáng sớm 7-11 và rời đi tối 10-11 để tham dự ba buổi ra mắt vở kịch 'Mọi điều ta chưa nói' của sân khấu Hồng Hạc tại TP.HCM.

THANH THƯ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp