Phóng to |
* Cơn giông là một trong ba tác phẩm khá nhất của anh, nhưng hình như nhiều người chẳng đọc?
- In 1.000 cuốn, kể cũng ít thật. Song tình trạng sách văn học ít người đọc là chuyện thường. Chuyến đi sang Mỹ vừa rồi, tôi thấy ở bên đó những cuốn sách đoạt giải cũng chỉ gây ồn ào dư luận trong vòng một tháng rồi thôi. Văn hoá đọc đang gặp khó khăn trên toàn thế giới chứ không chỉ ở VN.
* Anh hay đọc tác phẩm của những ai?
- Năm nay tác giả đoạt giải Nobel không ngoài dự đoán của tôi và rất may là tôi được đọc ông ấy từ năm ngoái. Tôi rất thích J.M. Coetzee, văn phong hiện đại mà giản dị. Lâu nay cũng có đọc văn học Trung Quốc, nhưng thú thực là tôi không thích mấy vì ít chất văn.
Văn chương Trung Quốc mạnh bạo, nhiều tác phẩm khá. So với ta, họ đi trước một đoạn xa, dù về mặt xã hội ta và họ có nhiều điểm tương đồng. Và văn chương của họ dám nói thẳng nhiều vấn đề, còn ở ta thì vẫn chưa cởi mở được. Ngay cả khi dịch tác phẩm TQ, ngay cả cái tiêu đề một tác phẩm như Báu vật của đời (nguyên tác Phong nhũ phì đồn là Vú to mông nở), ta cũng phải sửa lại. Cái trói buộc của mình không nên đổ thừa ai: Bản thân người nghệ sĩ cũng tự trói mình. Người sáng tác cũng nhát tay.
* Thế anh cho mình là "nhát tay" không?
- Tôi cũng nhát. Nhưng cố gắng hết sức để nói thực. Do hoàn cảnh, thế hệ nhà văn như tôi có thể khó mà khắc phục những nhược điểm của mình, khó mà nói thực được nên chỉ hy vọng vào lớp trẻ. Bởi viết nhát tay đã thành thói quen.
* Có gì trói buộc khiến anh không đi tiếp một cách tự tin?
- Ngay cả khai thác mình cũng không khai thác tới được. Mà đừng nói đâu xa, một khi mình chưa có ý viết thì làm sao viết ra được? Một cái buồn nữa là nghiệp văn chương đối với nhà văn bị đẩy vào hàng thứ yếu: Nhà văn sáng tác không hết mình, mải lo làm những chuyện khác, coi văn chương như một phần đời thì làm sao có tác phẩm hay được!
* Thế anh thì sao?
- Tôi may hơn một số người là tập trung vào viết, ngoài chuyện quản lý, và ít phải lo chạy kiếm tiền.
* Điều anh đang thất vọng về mình?
- Như tôi đã nói, là đào sâu vào nhân vật nhưng chưa tới. Nhà văn không phải chỉ dũng cảm là được, mà phải có tài. Cái tài đó thể hiện ở ngay hình thức tác phẩm. Phải làm sao làm cho người ta bị cuốn hút, thì họ mới đọc tiếp. Nhà văn TQ dám nói, lại có tài biểu đạt và dùng nhiều hình thức khá phong phú. Nhà văn mình muốn nói, nhưng nói không được vì thiếu hình thức biểu đạt, thành ra ngây ngô.
* Còn những cây bút trẻ thì sao?
- Nhiều bạn viết hay, như Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Phạm Hải Anh..., nhưng qua những đợt trao giải vẫn có thể thấy tình hình sáng tác hơi kém, hơi ít tác phẩm có chất.
* Thử nhìn mình một lượt từ đầu đến chân, anh là ai nào?
- Một người chậm lụt trong mọi lĩnh vực: Trong đời sống riêng lẫn trong văn chương. Tới giờ mới hiểu ra mình đủ lực viết tiểu thuyết, thì dường như đã mòn sức. Nhưng không chỉ riêng tôi mà nhìn chung sức viết của nhà văn VN không bền.
* Và con người ngoài văn chương?
- Tĩnh lặng, hơi khép kín, hiền, không dữ dội. Ngược lại với con người trong văn chương rất thích cái mạnh bạo và dồn chứa cái đau không nói được. Nhà văn mình nói nhiều quá, diễn thuyết nhiều quá, mà điều này trong văn chương kỵ lắm. Quần chúng không thích bị dạy dỗ nhiều quá. Trong nhà trường cũng thế, mình dạy chính trị trong văn chứ chưa phải dạy văn. Tôi đang gắng bỏ chất cán bộ, viên chức thời nay trong con người mình.
* Một cái nhìn của riêng anh về văn học VN trong tương lai?
- Không phải bi quan lắm đâu, vì văn học không phải là một thứ công nghệ như công nghệ thông tin để nói rằng cứ phát triển lên mãi. Đương nhiên ta vẫn chưa có gì nhiều nhưng cũng đừng quá nôn nóng. Hãy kiên nhẫn ráng đợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận