Phóng to |
Nhà văn Kim Lân và con trai - họa sĩ Thành Chương - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sự hình dung trong trí tưởng tượng đôi khi rất buồn cười. Ví dụ Ma Văn Kháng chắc là người dân tộc, áo thâm, quần đen, miệng hút kèn thuốc cuốn dài như cái đũa. Những hình ảnh do trí tưởng tượng được dựng lên, chẳng cần một sự lý giải nào cả. Mỗi người mỗi vẻ, đi vào trong những giấc mơ văn chương thuở nhỏ. Song một điểm chung cho sự bay bổng của trí tưởng tượng thuở ấy, đó là những nhà văn trở nên gần gũi hơn, gắn bó hơn với tuổi thơ tôi.
Rồi đến khi có cơ hội gặp gỡ, họ hiện lên hoặc giống, hoặc hoàn toàn lạ lẫm với sự hình dung của mình.
Nhà văn Kim Lân, lần đầu gặp, khác xa với hình dung về ông trước đó. Ông hiện lên là một con người nhỏ thó, vui tính, dễ chịu. Một con người mà khi gặp khiến bạn có cảm giác thân gần.
Khi đó tôi dự trại viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn tổ chức năm 1991 tại Hà Nội. Nhà văn Kim Lân được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tôi. Ông đọc một cách chăm chú những bản thảo tôi mang đến trại viết, cả văn và thơ. Tôi khi đó - một đứa con nít đầy huyễn tưởng về mình - chờ đợi những lời khen từ ông. Nhưng ông chỉ trầm tư nhìn ra ngoài cửa. Ông suy nghĩ một điều gì đó rất lung. Đoạn ông hỏi tôi về chuyện học hành, chuyện viết lách. Như một người ông hỏi chuyện cháu sau nhiều ngày xa cách. Ông chẳng đưa ra lời nhận xét hay khuyên răn gì. Chỉ đơn giản là hỏi chuyện. Điều ấy - ngày ấy - khiến tôi không thỏa mãn.
Rồi bẵng đi...
Thời gian run rủi tôi đi vào nghiệp viết lách. Nhà văn Kim Lân vẫn thấp thoáng qua lại báo Văn Nghệ. Ông chắc không nhớ tôi - con bé ở trại viết ngày ấy. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ quan sát ông, lắng nghe ông. Tôi thích phong thái nhà nho, thâm trầm, uyên bác ở ông.
Rồi bất chợt có những lúc giữa cuộc trò chuyện vui vẻ, tôi gặp cái buồn hằn trên mặt ông già nhỏ thó ấy. Cái buồn tụ lại trong mắt, nhưng nhức. Ông lặng lẽ rời đi. Cái dáng người bé nhỏ lướt nhanh qua người khác.
Tôi từng được nghe kể lại về truyện ngắn cuối đời của ông. Truyện ngắn ấy ông chưa hề viết ra dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông giữ lại cho riêng mình.
Chuyện về một người đàn ông câm. Vì câm nên không ai biết ông ta nói gì, nghĩ gì, kể cả những người thân. Ông ta nuôi một con chó. Điều lạ kỳ là con chó hiểu được ông chủ của mình. Hai người tìm được ngôn ngữ chung để “nói” được với nhau, để hiểu nhau. Nhưng có một chiến dịch tàn sát chó. Cảm nhận được sự hiểm nguy đến với mình, con chó bỏ chạy. Đúng lúc nó sắp chạy thoát thì người đàn ông câm cất lên một tiếng kêu như tiếng tru, đau đớn và tuyệt vọng. Tiếng kêu níu kéo con chó lại. Nó trở về với người bạn của mình, dù biết rằng sẽ bị giết.
Câu chuyện ấy ám ảnh tôi. Tôi tự hỏi nhà văn Kim Lân đã giữ câu chuyện ấy trong mình bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng để rồi vẫn quyết định không viết ra. Mà không viết ra thì nó vẫn cứ đeo đuổi mình, làm mình như kẻ mắc nợ. Phải chăng ông quyết định giữ nỗi dằn vặt ấy chỉ cho riêng mình.
Và tôi chợt giật mình nhớ lại cuộc gặp mặt lần đầu tiên với nhà văn Kim Lân. Không một lời khuyên răn hay nhận xét gì. Ngày ấy - tôi, một đứa học trò nóng vội và nông nổi - đã không hiểu tại sao lại như thế. Sau này, có va vấp trên đường đời mới tự nghiệm ra rằng: hãy cứ đi và tự rút ra bài học cho mình. Giả sử ngày ấy ông cứ khuyên răn tôi điều này điều nọ, chắc gì tôi đã nhớ, đã nghe và đã hiểu?
Đó là bài học đầu tiên mà con người thâm thúy và rất đỗi nhân hậu ấy dành cho tôi.
Giờ thì ông đi, nhẹ nhõm. Cái lẽ sống và biết sống sẽ dành lại cho những người đang sống đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận