01/09/2016 08:58 GMT+7

Nhà văn Dương Hướng: Nhụy khúc cuốn hút tôi từ trang đầu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Tiểu thuyết đầu tay Nhụy khúc của nhà văn Đinh Phương gây chú ý trong giới đọc ngay từ khi vừa ra mắt.

Nhà văn Dương Hướng - Ảnh: NVCC

Cuốn tiểu thuyết với độ dày chỉ 200 trang nhưng dồn nén nhiều tuyến truyện, đặc biệt là sự bức bối đến bế tắc của thân phận những người trẻ khiến cuốn sách có những đoạn không thể đọc nhanh được.

Hứng thú với Nhụy khúc, nhà văn Dương Hướng có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ:

 - Lối viết rất riêng vừa hiện thực vừa mờ ảo của Đinh Phương đã cuốn hút người đọc ngay từ trang đầu. Với lối viết và tư duy của Đinh Phương, phải phân biệt ra hai đối tượng có sự nhận thức khác nhau khi đọc: một là có người đọc theo lối truyền thống, chỉ chăm chú đến cốt truyện thì chẳng nói nên điều gì. Còn đối tượng đọc mà hiểu được thấu đáo thì đây là một tác phẩm đáng để ta phải suy ngẫm.

* Nhụy khúc có những đoạn cho thấy một mạch ngầm về thân phận của sách, song hành với đó là thân phận của người thiết tha với sách, thông điệp này diễn đạt như Đinh Phương vậy, ông thấy đã ổn chưa?

Tiểu thuyết của Đinh Phương do Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016.

- Những đoạn nội dung nói về sách, về thân phận những người thiết tha với sách, thông điệp này rất hiện thực, cần phải báo động.

Câu chuyện về sách trong tiểu thuyết này là nỗi đau không chỉ trong quá khứ mà còn là nỗi đau hiện tại của những người cầm bút với những bản sách bị tiêu hủy.

Tiêu hủy hiểu theo nhiều nghĩa, không chỉ xuất bản rồi đốt mới là tiêu hủy, mà khi sách không được cho ra đời cũng bằng như tiêu hủy vậy.

Những đoạn về mạch ngầm rất sâu sắc về ý tưởng, viết rất ấn tượng khiến ta xót thương đau đớn. Nhưng cách diễn đạt còn mỏng, hơi khiên cưỡng, chưa đủ độ chín và đậm đặc.

* Từ sự ly hương của Trang rời thị trấn quê nhà, đến những người di cư ra đi, đến cuộc ra đi của những người lính Pháp vào cõi bí mật, đến cả những cuộc ra đi xuyên thời gian của nhân vật hiện tại trở về gặp bối cảnh người xưa trong lịch sử... Có vẻ tác giả thiết lập một “đường dây” về sự ra đi trong tiểu thuyết này. Ông đọc những cuộc ra đi trong Nhụy khúc với suy nghĩ gì?

- Tác phẩm Nhụy khúc là một khúc tình ca buồn về sự ra đi bế tắc của các nhân vật trong đó.

Đúng là có một “đường dây” mà Đinh Phương thiết lập cho những nhân vật hiện tại ra đi tìm quá khứ. Càng tìm càng bế tắc, càng đi càng mất dạng. Chặng đường ra đi đầy biến ảo lẫn lộn giữa hư và thực đã tác động tới tâm trí, tác động tới số phận của từng nhân vật, gợi cho ta liên tưởng tới thân phận đầy gian lao của cả một dân tộc...

Đọc Nhụy khúc thấy chất chứa trong lòng bao suy tư buồn, vừa cảnh báo, thức tỉnh ta điều gì đó mà sao ta vẫn thấy chứa chan tình người.

* Đinh Phương có đầu tư về kỹ thuật, vừa đồng hiện phi tuyến tính vừa xen lẫn kỳ ảo và hiện thực. Nhưng độc thoại hơi nhiều khiến người đọc có cảm giác mệt. Ông có nhận định riêng gì về bút pháp trong Nhụy khúc?

- Nhụy khúc không thể dành cho người đọc chỉ chăm chăm tìm ra câu chuyện nào trong đó. Sẽ chán nản ngay nếu không hiểu được gì qua những câu đối thoại ngỡ như vu vơ trong tác phẩm. Kỹ thuật viết đáng kể trong Nhụy khúc là tác giả đã kéo lịch sử nhập về với chuyển động của nhân vật trong thời hiện tại.

Điều này làm bật lên một cái gì đó bất ổn từ quá khứ xuyên suốt đến tận giờ. Cũng chính điều này làm nên một thứ văn chương sâu xa và chứng tỏ người viết không hời hợt. Có điều, cùng với việc tạo ra nét riêng như vậy thì cũng không có mấy người hiểu được nhà văn.

Tôi thì thấy ở Đinh Phương có hé lộ tài năng nhưng có thể người khác sẽ bảo: Đọc chẳng hiểu gì. Có điều là Đinh Phương qua những tác phẩm từ truyện ngắn đến tiểu thuyết này chứng tỏ anh có bản lĩnh và kiên trì đi theo hướng mà anh đã chọn.

Với tác phẩm đầu tay gây được sự chú ý của dư luận, tôi cho đây là một niềm vui của Đinh Phương và bạn đọc.

Bản giao hưởng của những mê cung
Tôi gọi Nhụy khúc là bản giao hưởng của những mê cung. Người đọc sẽ bị mơ mơ thực thực toát ra từ lối vào hút lấy. Và thế là mê cung bắt đầu xoay.

Ngã rẽ đầu tiên. Số phận của một con người. Vũ, một người trẻ đọc sách “hai lần hủy hoại bản thân để tiến tới cái đẹp”. Trang, bạn gái Vũ, trong vai trò người khám phá mê cung, đã phải trải qua một cuộc tìm kiếm giữa sương mù.

Cuộc tìm kiếm không chỉ dắt người đọc qua số phận một con người. Càng đi sâu vào màn sương mê cung của Nhụy khúc, sẽ dần hé lộ ra cả một thành phố, một thời đại, một chân tướng chìm khuất của lịch sử.

Tất cả: cái đẹp, tội ác, tình yêu, thù hận, lý tưởng, tỉnh thức... đều sẽ lần lượt được gọi dậy. Xoay theo mê cung, chúng hệt những tấm gương ánh sáng. Nháng lên. Rồi vụt tắt. Nhưng chỉ một lóe sáng từ chúng đã ám mãi vào tâm trí người đọc.

Mê cung của Nhụy khúc còn là mê cung của sự biến mất. Con số biến mất trong Nhụy khúc, theo độ cuốn của mê cung càng ngày càng dày đặc. Không phân biệt người hay cảnh. Không phân biệt không gian hiện thực hay ảo ảnh. Nguy cơ biến mất bạn sẽ dần nhận ra, tồn tại bên cạnh mình, ngay trong cuộc sống thường nhật.

Truy tìm những biến mất, khám phá những mê cung trong tâm tưởng con người, trong số phận và cả lịch sử, Nhụy khúc sẽ đưa người đọc đến một cái kết bất ngờ. Một cái kết cũng phủ một lớp sương mờ, thách thức những phân tích và logic thông thường.

KIM HÒA

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp