Nhà văn Chu Lai đặt câu hỏi khi phát biểu tại cuộc gặp gỡ cộng tác viên của Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân diễn ra ngày 19-4, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4.
Tác phẩm xứng tầm: hy vọng ở người trẻ
"Cuộc kháng chiến vĩ đại của chúng ta đã đi qua gần 50 năm rồi, liệu có tác phẩm xứng tầm với cuộc kháng chiến ấy không?" - tác giả Ăn mày dĩ vãng đặt câu hỏi, rồi tự trả lời đến bây giờ có thể vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm ấy, nhưng thế hệ sau, với độ lùi của thời gian, những tài năng với tinh thần minh triết có thể viết được một tác phẩm xứng tầm.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, Chu Lai nói, thế hệ những người viết đi ra từ trong lòng cuộc chiến tranh như ông, Lê Lựu, Bảo Ninh, Phạm Tiến Duật… đã có được những tác phẩm xúc động lòng người. Tuy nhiên, ông cho rằng mỗi tác phẩm có lẽ chỉ phản ánh được một lát cắt của cuộc chiến vĩ đại ấy.
Chúng ít nhiều có được vị trí trong lòng bạn đọc trong nước, nhưng chưa thể vươn tới tầm nhân loại bởi chưa có được tầm tư tưởng lớn, cũng chưa xứng tầm với cuộc chiến vĩ đại mà cha anh đã đổ bao xương máu.
Cho rằng đề tài chiến tranh, cách mạng và người lính là siêu đề tài, nhân vật người lính là siêu nhân vật, các nhà văn có thể đào xới, khai thác muôn đời không hết, ông rất hy vọng ở những thế hệ trẻ tiếp nối có thể giúp cha ông trả được "món nợ" với cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước.
Để có được tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến tranh và xương máu cha ông đã đổ ra.
Kể chuyện Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân gần đây in cuốn tiểu thuyết Mưa đỏ của ông, một cuốn sách gai góc về người lính và cuộc chiến, nhà văn muốn khẳng định nhà xuất bản này đến nay đã rất cởi mở để nhà văn được tung thả cảm xúc, suy tưởng của mình.
Xuất bản đã rất cởi mở như vậy, thì chuyện tác phẩm xứng tầm với cuộc kháng chiến chỉ còn ở chuyện tài năng. Phải có người tài xuất hiện.
Sao con người ta không biết buồn một chút
Tác giả Ăn mày dĩ vãng còn chia sẻ những tâm sự về đất nước hôm nay.
Ông kể, chiều chiều ông vẫn chậm chậm đạp xe đi qua đê sông Đuống, nhìn bờ sông ông bỗng thấy buồn. Nhìn bờ sông vẫn ngàn năm hiu hắt như vậy, chỉ có con người là đổi thay, khiến nhà văn nghĩ về cái vĩnh cửu và cái nhất thời.
Gần đây lại nghe tin hàng loạt người vướng vòng lao lý. Ông băn khoăn "sao con người ta không biết buồn một chút, biết giật mình một chút".
"Khi biết buồn sẽ cảm được vị trí bé nhỏ của mình trong cái vĩnh hằng của trời đất, biết mình đang làm gì, thì lòng tham sẽ rơi xuống, mà bớt khổ.
Biết giật mình một chút để tự vấn mình đang làm cái gì đây. Tất cả bi kịch của con người đều là lòng tham không kiểm soát được. Cuộc đời dài lắm, cuộc đời cũng chóng vánh làm sao", ông Chu Lai ngậm ngùi.
Một thời nhuận bút mua... quần áo cũ, tivi cũ
Nói về Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, ông kể kỷ niệm in cuốn tiểu thuyết đầu tiên Nắng đồng bằng ở đây bằng sự hài hước sắc sảo khiến nhiều người bật cười.
Ông kể, nhuận bút cho cuốn tiểu thuyết lúc đó 4 đồng, số tiền có thể mua được một căn hộ mặt tiền phố Phùng Hưng.
Nhưng vợ chồng ông lại chỉ đi sang chợ Ninh Hiệp mua quần áo cũ, tivi cũ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận