18/10/2011 01:17 GMT+7

Nhà trường phải bắt tay doanh nghiệp

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Các chuyên gia cho rằng để giải quyết được sự thiếu hụt và xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, cần đẩy mạnh việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội theo từng bước cụ thể.

D7Z81Y6P.jpgPhóng to
Đội ngũ kỹ sư trẻ của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang thảo luận đề án xuất khẩu công nghệ sản xuất bóng đèn sang Venezuela - Ảnh: N.Nam

Quan trọng là việc xây dựng chính sách phát triển nhân lực chất lượng phải có những bước đi rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, mù mờ.

Giáo dục là xương sống

TS Ngô Gia Lưu (ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng để có nhân lực chất lượng cao thì trong đào tạo phải thiết kế chương trình học hợp lý. Chẳng hạn với ngành công nghệ thông tin (CNTT) cần có sự đổi mới toàn diện từ chương trình, nội dung, phương pháp, quy trình đào tạo. Theo đó, tuyển sinh đầu vào ngành CNTT phải là các môn toán, lý và lấy ngoại ngữ thay môn hóa. “Lý do là môn hóa không mấy liên quan đến ngành CNTT, còn sinh viên CNTT thì ra trường kém về ngoại ngữ”, ông giải thích.

Ngoài ra, theo ông, phải nhập khẩu các chương trình đại học tiên tiến trên thế giới, tăng cường việc đào tạo tiếng Anh. Kèm theo đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất giảng dạy.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Nghi (ĐH Cần Thơ) cho rằng qua kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc chúng ta có thể rút ra nhiều bài học. Theo đó, cần xây dựng chương trình hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, hoàn thiện hệ thống giáo trình ở các trường đào tạo theo hướng các trường tự chủ xây dựng giáo trình và phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.

“Cần phải thay đổi tư duy về phát triển nguồn nhân lực, thị trường hóa việc phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực thì mới có thể có nguồn nhân lực chất lượng. Trong hệ thống kinh tế xã hội, cần xem giáo dục là trục của sự vận hành” - ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhìn nhận.

“Thực tập tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc”

Mặt khác, điều quan trọng là tạo mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng cách doanh nghiệp gắn với nhà trường trong đào tạo, và ngược lại nhà trường gắn với doanh nghiệp để bồi dưỡng người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu công việc luôn thay đổi. Khi đó, người lao động là một sản phẩm của quá trình đào tạo liên tục trong môi trường nhà trường và trong doanh nghiệp, chất lượng đào tạo vì thế sẽ bắt kịp đòi hỏi của xã hội.

“Cơ chế thực tập tại doanh nghiệp phải là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo và xét tốt nghiệp đối với học viên từ các trường. Từ đó sẽ có nguồn lao động qua đào tạo gắn bó với hoạt động thực tiễn” - ông Nguyễn Văn Xê, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh - xã hội TP.HCM, đề xuất. Ông Xê cũng đề xuất đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động để tránh lệch pha cung cầu. Doanh nghiệp muốn có nguồn lao động thì phải tham gia cung cấp thông tin về cầu lao động, bên cạnh việc xây dựng chiến lược về nhân sự có chất lượng để phát triển nguồn nhân lực dài hạn.

Nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nước ta lâu nay có tính cạnh tranh thấp nên không chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Điều này gây nên tình trạng khi môi trường kinh doanh thay đổi thì doanh nghiệp không có nguồn nhân lực chất lượng phù hợp nhu cầu phát triển mới.

Ông Trần Đình Thiên nhận định: cái gốc của sự trì trệ trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mô hình tăng trưởng của chúng ta lâu nay không dựa vào việc phát triển nguồn nhân lực, mà chủ yếu khai thác tài nguyên, tận dụng nhân công giá rẻ. “Cần nhìn thẳng vào điều sâu xa này, nhìn xem chúng ta so với các nước như thế nào để có chiến lược phát triển kịp thời”, ông Thiên nói.

Nắm bắt đúng nhu cầu

“Doanh nghiệp nên chủ động đặt hàng cho nhà trường và nhà trường cũng phải chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Cần có sự thống kê thực trạng và khuyến cáo rộng rãi cung cầu lao động, khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, thừa thiếu ra sao... Đây chính là thông tin quan trọng giúp các cơ sở đào tạo rà soát lại quá trình cung ứng lao động, cân đối thừa - thiếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - thạc sĩ Trần Đình Lý, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (ĐH Nông lâm TP.HCM), nói.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp