Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay 21-4, câu chuyện làm sao để người Việt đọc sách nhiều hơn vẫn là vấn đề thôi thúc.
Theo báo cáo chính thức tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm vào hôm 17-2 tại TP.HCM, số bản sách năm 2022 đạt 598,9 triệu, đưa mức bình quân sách/người/năm lên 6,1 bản (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác).
Nếu trừ đi số bản sách giáo khoa, trừ đi số lượng sách tồn kho và cả những cuốn sách mua mà chưa đọc và không đọc, con số khả tín là: mỗi năm bình quân một người Việt Nam đọc chỉ từ một đến hai cuốn sách.
Nói bình quân cũng có nghĩa là hiện có rất nhiều người không đọc sách, ít đọc sách!
Số liệu của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) năm 2017: số người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% dân số, 44% số người thỉnh thoảng mới đọc một cuốn sách, những người thường xuyên đọc sách chỉ chiếm 30%.
Còn tại cuộc tọa đàm do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trường đại học Hoa Sen tổ chức, có một con số gây ra nhiều suy nghĩ cho những ai quan tâm đến giáo dục: 80% người trong độ tuổi 20 - 30 không đụng đến sách suốt một năm (Người Việt lười đọc sách, vì sao? - Tuổi Trẻ 13-5-2022).
Trong khi đó, cùng với sự phát triển của công nghệ giải trí, xã hội ta lắm lúc "thịnh hành" không gian và thời gian cho lễ hội, cho hoa hậu, cho ca múa nhạc, cho sân khấu hóa, cho game show và cho cả... livestream!
Vì đâu nên nỗi? Phải chăng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là nhà trường chúng ta bây giờ không còn là nơi dạy học bằng sách, từ sách, với sách?
Quan sát thực tế, chúng ta thấy gì? Với cách dạy học theo kiểu nhồi nhét, theo cách đọc chép, theo lối văn mẫu và lấy thi cử dựa trên ghi nhớ làm thước đo đánh giá, học sinh không còn tâm sức và đánh mất luôn hứng thú với việc đọc sách.
Ngay cả sinh viên cũng chẳng mấy ai đọc sách: rất nhiều sinh viên ngữ văn không đọc tác phẩm văn chương và sinh viên kinh tế cũng không hề chạm đến các tác phẩm kinh điển! Tất cả chỉ bám chặt vào sách giáo khoa và giáo trình để vượt qua cho được các kỳ thi!
Hậu quả là văn đàn nước nhà thời gian qua không còn sức sống. Các tác phẩm văn chương chỉ để các nhà báo giới thiệu và các nhà văn... đọc lẫn nhau. Lớp độc giả đông đảo và sung sức nhất chỉ thưởng thức truyện tranh và tiêu thụ nhanh các loại tiểu thuyết ngôn tình dịch vội!
Nhìn rộng ra với các thể loại khác, điều đáng nói hơn, do không có thói quen đọc sách nên nhiều thế hệ bạn trẻ đã không rèn luyện được năng lực tự học, tự nghiên cứu. Và nhiều bạn đã đánh mất "thời cơ vàng" - những năm tháng trong nhà trường để tích lũy cho sự phát triển bản thân lâu dài, không chỉ là kiến thức, năng lực ngôn từ, năng lực lập luận, khả năng tập trung và ghi nhớ mà còn là cơ hội để làm giàu những giá trị bên trong của đời sống tâm hồn.
Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra để gia tăng việc đọc sách với người Việt, song giải pháp căn cơ nhất là thói quen và phải bắt đầu từ nhà trường.
Nếu như ở tiểu học, trẻ có từ một đến hai tiết/tuần để nghe đọc thơ, tập kể chuyện, tập diễn cảm, viết vẽ, diễn hoạt cảnh với sách; ở trung học, được thường xuyên thực hành cách tóm tắt, viết cảm nhận, thuyết trình và tranh luận về sách; đến đại học, có thể viết tiểu luận về các vấn đề học thuật và nghệ thuật từ sách thì nhất định sẽ mang theo được thói quen đọc sách làm hành trang lập thân, lập nghiệp.
Đồng thời sẽ tạo ra một lực lượng độc giả không ngừng mở rộng, có sức đọc mạnh mẽ và bền vững, cùng nâng cao dân trí, thúc đẩy sáng tạo văn học - nghệ thuật, thúc đẩy nền công nghiệp xuất bản - phát hành...
"Vừng ơi, mở cửa ra!" là câu thần chú mở ra kho báu của ngọc ngà, tiền của! Còn "Nhà trường ơi, mở sách ra!" là sự trao gửi với kỳ vọng đổi mới nền giáo dục phổ thông - đại học để nhà trường thực sự góp sức phát triển con người, phát triển đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận