Việc chuyển từ "học phí" sang "giá dịch vụ đào tạo" không chỉ đơn thuần là "tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật giá" như giải thích của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Bởi chuyển như thế là chuyển góc nhìn của người làm luật, sẽ tạo ra những hệ quả không thể lường hết.
Đối tượng của luật chủ yếu là người dân chứ không chỉ áp cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Người soạn luật, trong trường hợp này là Bộ GD-ĐT được giao biên soạn, lại có góc nhìn của quản lý nhà nước, là một thiếu sót lớn, cần điều chỉnh ngay.
Dùng từ "học phí" là nhìn từ góc độ người học. Cha mẹ cho con tiền để đóng học phí, trong thâm tâm họ nghĩ là tiền học của con - không bao giờ nghĩ đó là giá dịch vụ đào tạo.
Trong khi ngành giáo dục luôn nói lấy học sinh làm trung tâm, nay lại thực hành ngược lại, nhìn từ góc độ quản lý, cả quản lý thu chi của trường, cả quản lý giá của Nhà nước thì mới dùng từ "giá dịch vụ đào tạo".
Một góc nhìn như thế sẽ không bao giờ tính đến các phương án huy động nguồn lực của xã hội để bù đắp vào chi phí theo hướng phi lợi nhuận mà sẽ chỉ tính đến chuyện lời lỗ, thu cho đúng, thu cho đủ.
Một góc nhìn như thế sẽ dẫn tới việc xem thầy cô đơn thuần là người cung ứng dịch vụ đào tạo, nhà trường là nơi trao đổi dịch vụ và cơ quan quản lý giáo dục sẽ thành quản lý thị trường giáo dục!
Nhìn từ góc độ "học phí" mà người học phải trả, sẽ kích thích hướng suy nghĩ làm sao giảm nhẹ gánh nặng học phí cho học sinh nghèo, tạo các quỹ học bổng để hỗ trợ việc đóng học phí, thiết lập các chế độ miễn giảm học phí cho học sinh giỏi...
Ngược lại dùng "giá dịch vụ đào tạo" chưa gì đã khiến ai nấy, kể cả bộ trưởng, nghĩ ngay đến chuyện nếu giảm giá sẽ đi liền với giảm chất lượng dịch vụ đào tạo.
Thôi, cứ cho là "học phí" chỉ là một phần trong "giá dịch vụ đào tạo" như giải thích của ông bộ trưởng, nhưng nói theo cách giải thích này thì từ chính xác phải dùng là "chi phí đào tạo", một từ đúng với bản chất những thay đổi mà ngành giáo dục muốn hướng tới. Bởi giá là biểu hiện, cái nhãn để gán lên khoản tiền muốn thu.
Luật đâu dính dáng gì đến khoản này. Luật chỉ liên quan đến chi phí đào tạo, sau đó để các trường cộng thêm khoản lợi nhuận nữa mới thành giá dịch vụ đào tạo. Và chính ở đây mới thấy luật, nếu soạn như thế, là chỉ dành cho các trường chăm chăm nhắm vào lợi nhuận.
Thế còn các trường phi lợi nhuận nằm ở đâu, khi họ chỉ quan tâm đến chi phí và mong muốn làm sao bù đắp chi phí chứ không nghĩ đến giá dịch vụ của họ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận