06/04/2024 09:02 GMT+7

Nhà trên kênh rạch: Không đột phá, khó di dời

Từ vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ mới đây cho thấy các nhà ven kênh tồn tại mấy chục năm ở TP.HCM cần giải pháp đột phá mới có thể di dời làm dự án mới, nâng cao đời sống người dân và phát triển đô thị.

Hàng ngàn hộ dân sống trong những căn nhà xập xệ ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Hàng ngàn hộ dân sống trong những căn nhà xập xệ ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP.HCM đề ra chương trình chỉnh trang đô thị, trong đó di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống ven và trên kênh rạch là nhiệm vụ có tính cấp thiết.

Có nhiều dự án cải tạo kênh rạch được lập ra nhưng việc di dời quá chậm, đa số vẫn nằm trên giấy. Việc di dời nhà tạm bợ trên và ven kênh rạch ở TP.HCM sẽ khó thực hiện nếu không có quyết tâm cao cũng như các cơ chế, giải pháp đột phá.

30 năm chờ di dời

Tại quận 7, dự án ao Song Tân dự kiến di dời 770 căn nhà với tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỉ đồng.

Cùng với rạch Bần Đôn và sông Ông Lớn, đây là một trong ba đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch ở quận 7 đã được Quận ủy quận 7 đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chạy dọc con hẻm 62 Lâm Văn Bền (phường Tân Kiểng, quận 7), sát bờ ao Song Tân, chúng tôi ghi nhận mùi hôi bốc lên nồng nặc. Chị Nguyễn Thùy Ánh, sống tại đây 30 năm, cho biết do nước dưới ao ô nhiễm nên nhiều năm nay mùi hôi rất khó chịu.

Theo chị Ánh, từ những năm 1990, khu vực này được quy hoạch di dời nhà cửa ven ao, chỉnh trang đô thị. Suốt từ đó đến nay, cứ vài năm lại có cán bộ phường đến đo đạc nhà cửa.

Hai năm trước, các hộ dân sống trong khu vực nhận được phiếu khảo sát ý kiến, mong muốn được đền bù theo giá đất hay đi tái định cư. Chị Ánh và gia đình luôn sống trong cảnh trông ngóng thông tin về tương lai không biết đi hay ở. Vì khu vực thuộc diện di dời nên nhà cửa dù xuống cấp, nhiều gia đình cũng không dám sửa, tân trang gì nhiều.

Cách ao Song Tân khoảng 10km, tại quận 8, hơn 1.500 trường hợp đang đợi di dời để thực hiện dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi.

Gắn bó với căn nhà ven kênh hơn 32 năm, bà Nguyễn Thị Phượng mong muốn được tái định cư. Nửa đời người gắn bó với bờ kênh, người phụ nữ 68 tuổi hy vọng sau khi thực hiện dự án, nước kênh lại trong sạch như xưa, môi trường sạch sẽ hơn.

Phó chủ tịch UBND quận 8 Phạm Quang Tú cho biết quận có gần 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, trong đó tập trung nhiều ở khu vực kênh Đôi. Hiện quận đang tập trung di dời 1.500 căn nhà tại bờ bắc kênh Đôi để cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực này.

Dự án này được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12-2023 với 4.930 tỉ đồng, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028. Tuy nhiên, lãnh đạo TP quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, yêu cầu các cơ quan chức năng phấn đấu hoàn thành các thủ tục để tháng 12-2024 khởi công.

Về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 Nguyễn Hồng Thuận cho biết với những căn nhà tồn tại trước 15-10-1993 sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí so với diện tích đất ở, từ 15-10-1993 đến 1-7-2004 sẽ được hỗ trợ 30%. Các hộ dân này sẽ được hưởng các chính sách tái định cư. UBND quận 8 đã đề xuất 676 nền đất và căn hộ để bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Tuy nhiên, số lượng nhà lấn chiếm tồn tại sau 1-7-2004 chưa có quy định để bồi thường. UBND quận 8 đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP nghiên cứu các quy định pháp luật để đề xuất kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống.

Về phía bờ nam kênh Đôi, UBND TP.HCM đã lập tổ công tác để khảo sát, lập đề án di dời nhà ven kênh, cải tạo môi trường khu vực này. Dự kiến hơn 5.000 căn nhà sẽ được di dời.

Hiện trạng nhà ven kênh Đôi, quận 8, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Hiện trạng nhà ven kênh Đôi, quận 8, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Ngân sách thiếu, kêu gọi xã hội hóa khó

Đại hội lần thứ X (năm 2015) và XI (năm 2020), Đảng bộ TP.HCM đã xác định việc di dời nhà trên và ven kênh rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất của TP. Tuy nhiên, chủ trương di dời nhà trên và ven kênh rạch đến nay thực hiện còn khiêm tốn, chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Nhiều dự án chỉnh trang đô thị chỉ nằm trên giấy. Giai đoạn 2016 - 2020, TP chỉ di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4% so với mục tiêu. TP đặt mục tiêu di dời 6.500 căn trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến vốn khoảng 18.000 tỉ đồng.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy nguồn vốn ngân sách của TP dành cho chương trình di dời rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không thể thực hiện mở rộng hơn so với ranh giới chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư vì vậy phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách chiếm tỉ trọng lớn, chiếm 62% cơ cấu nguồn vốn.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Trong khi ngân sách TP đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình khác có giá trị giải ngân cao và tính cấp bách và theo thứ tự ưu tiên.

Do đó trong số 59 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch bằng nguồn vốn ngân sách, chỉ bố trí vốn đầu tư cho 32 dự án, đa số là vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện các công tác khảo sát, đo vẽ, lập hồ sơ... chưa bố trí vốn thực hiện bồi thường, di dời và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

Thạc sĩ Vương Quốc Trung (Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM) cho biết nguồn vốn là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc di dời nhà ven và trên kênh rạch tại TP.HCM. Dự án đòi hỏi số tiền lớn để thực hiện, bao gồm việc bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư.

Theo ông Trung, để thực hiện dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch, Chính phủ và chính quyền địa phương cần xem xét và cân nhắc việc bố trí ngân sách nhà nước để hỗ trợ dự án. Mặt khác, TP.HCM cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia việc hỗ trợ tài chính cho dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch thông qua hình thức đối tác công - tư.

"Cần tạo ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia như ưu đãi về tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra TP có thể xem xét vay vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để hỗ trợ dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch", ông Trung nói.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

Đề xuất cơ chế đặc thù cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi đến các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến về đề án giải pháp thí điểm cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện bố trí tái định cư được giải quyết cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội khi Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị.

Sở cho biết việc di dời nhà trên và ven kênh rạch gặp nhiều khó khăn trong chính sách đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như khiếu nại liên quan đến đền bù... Do đa số các dự án bồi thường đều có pháp lý nhà, đất phức tạp không được quy định rõ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nhiều nhà không có đầy đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch... dẫn đến việc bồi thường chậm, làm dự án kéo dài, nhiều trường hợp khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư làm dự án.

Đặc biệt loại nhà trên kênh rạch, hoàn toàn nằm trên mặt nước, tạm bợ, hoàn toàn không có pháp lý, chủ quyền về nhà và đất nên không được áp dụng các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo kết quả điều tra năm 2017, tại tuyến bờ nam kênh Đôi (quận 8) có 2.104/5.055 căn (chiếm 41,6%) là nhà trên và ven kênh rạch không có hồ sơ pháp lý về nhà đất, nhà xây dựng lấn chiếm. Tại dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh có 285/1.203 trường hợp (chiếm 24%) thuộc diện này.

Xét tổng thể, trên địa bàn TP có khoảng 30% số nhà di dời không có pháp lý, không đủ điều kiện tái định cư. Do đó TP cần có chính sách về nhà ở cho những hộ dân không có tiêu chuẩn tái định cư để ổn định cuộc sống.

Theo Sở Xây dựng, nhà trên và ven kênh rạch gồm những hộ nghèo, không có giấy tờ hợp lệ, đa số là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp... sẽ không đủ điều kiện để bố trí tái định cư, không được hưởng chính sách về nhà ở xã hội theo quy định.

Các trường hợp này chỉ được nhận tiền hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc rất ít, không có khả năng để thuê hoặc mua nhà ở thương mại, tiềm ẩn nguy cơ tái lấn chiếm.

Do vậy sở đề xuất giải pháp cho hộ gia đình có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện bố trí tái định cư được giải quyết cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội (tùy khả năng và nhu cầu của người dân) khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất.

* TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Vận dụng nghị quyết 98 để có vốn di dời

Nghị quyết 98 do Quốc hội ban hành, cho phép thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó mở ra nhiều cơ hội để TP huy động nguồn lực đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Trong nghị quyết này cho phép HĐND TP có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

Cùng với đó, ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.

Như vậy, thông qua nghị quyết 98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư và ổn định cuộc sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch có khả năng sẽ được giải quyết theo cơ chế mới.

* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam):

Nên vận dụng bảo đảm quyền lợi cho dân

Hầu hết nhà trên kênh đều không có giấy phép xây dựng là "di sản" thời kỳ trước để lại nên không có cách nào khác, chính quyền hiện nay nên tiến hành lập hồ sơ chứng từ mới gồm cả phần diện tích đất với diện tích trên mặt nước và hợp thức hóa quyền sử dụng cho từng hộ dân. Đó là cơ sở pháp lý để thu hồi, giải tỏa và đền bù.

Việc này TP.HCM đã từng làm đối với những căn nhà xây dựng không phép và không có tranh chấp ở một số khu vực đô thị hóa tự phát. Nếu không thừa nhận thực tế những căn nhà đó đã do người dân sở hữu lâu năm để lập chứng từ mới thì không thể vận động người dân tự nguyện di dời vì họ cảm thấy bị mất trắng căn nhà của mình.

Kinh nghiệm Đà Nẵng: cấp đất hoặc cho thuê chung cư, dân di dời ngay

Khu vực nhà chồ ven sông Hàn nay là đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Khu vực nhà chồ ven sông Hàn nay là đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã di dời hết nhà chồ ven sông Hàn, đây được xem là một thành quả lớn trong quá trình chỉnh trang đô thị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Long, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 1997 - 2001, cho biết nhà chồ ở Đà Nẵng hình thành từ trước năm 1975. Sau ngày thống nhất đất nước, bài toán giải quyết xóa nhà chồ ở Đà Nẵng được đặt ra. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ giải quyết triệt để vấn đề này từ sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương vào năm 1997.

Theo ông Long, nhà chồ tạm bợ nhưng là nơi sinh sống, lập nghiệp làm ăn của rất đông dân cư lúc bấy giờ. Sự tồn tại của nhà chồ đã phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe, an toàn cho người dân, đặc biệt là cho con trẻ.

Ông Long kể lúc đó ông Nguyễn Bá Thanh với tư cách là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết liệt xem đây là dự án lớn đầu tiên của Đà Nẵng phải làm để cải thiện vấn đề sinh kế của dân cư. Việc tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân là yếu tố then chốt để di dời nhanh người dân.

"Lúc bấy giờ lãnh đạo các cấp đi đến nhà dân từng ngày, từng đêm để thuyết phục, có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ về đất và chỗ ở cho người dân", ông Long kể.

Theo ông Long, tùy theo nhóm cư dân cư trú hợp pháp (có hồ sơ đất) hoặc cư trú chưa hợp pháp mà TP đã có chính sách giải quyết như đền bù đất tái định cư hoặc bố trí cho thuê chung cư, nhà liền kề để không ai thấy "chênh vênh" khi ra đi. Khi được cấp đất ở các khu tái định cư hoặc cho thuê ở chung cư, bà con đi ngay.

Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) là nơi có nhiều nhà chồ nhất vào thời điểm đó và hiện cũng là nơi ở chính của các hộ dân sau giải tỏa. Ông Cao Đình Hải, chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, nhìn nhận không chỉ bộ mặt đô thị thay đổi mà cuộc sống người dân cũng sang trang mới.

Ông Hải cho rằng chính sự quyết tâm của lãnh đạo khi đó cùng chủ trương "chỗ ở đi trước, việc làm theo sau" đã tạo nên sự đồng thuận cao để người dân dời đi. "Ban đầu là chỗ ở. Sau đó là quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề để họ ổn định cuộc sống", ông Hải nói.

Sau khi xóa khu nhà chồ, tuyến đường Trần Hưng Đạo ở bờ đông sông Hàn khang trang mở ra, thay đổi hẳn bộ mặt đô thị ở quận Sơn Trà. Đến nay cảnh nhà chồ ở Đà Nẵng chỉ còn trong ký ức của người dân, trên sách báo hoặc hình ảnh ở Bảo tàng Đà Nẵng.

Huế thực hiện cuộc di dân lịch sử

5 năm qua, Huế đã thực hiện cuộc di dân lịch sử với 4.200 hộ dân ở tạm bợ, lấn chiếm ra khỏi khu vực 1 di tích kinh thành Huế. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách đặc biệt để cuộc di dân chưa từng có này được thực hiện một cách đồng thuận, hiệu quả.

Chính quyền các cấp ở Huế đã kiểm đếm chi tiết số nhân khẩu, từng hộ dân đang thực sống chen chúc trên các khu "ổ chuột" ở Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào... Trong số đó phần nhiều hộ dân sống trên đất lấn chiếm di tích, không có giấy tờ nhà đất vẫn được đưa vào dạng kiểm đếm để bồi thường, tái định cư.

Ngoài ra khi bắt đầu cuộc di dân, chính quyền hỗ trợ mỗi hộ dân 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà trọ ở ngoài, chờ khu tái định cư mới đang trong quá trình xây dựng.

Ông Phan Ngọc Thọ, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nói rằng để thực hiện một dự án tái định cư, đưa người dân đi khỏi nơi họ đã cư ngụ hàng chục năm không phải dễ dàng.

Theo ông Thọ, để dự án này thành công, đầu tiên phải có sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao của cấp ủy, cấp chính quyền. Phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, đồng thời phải công khai minh bạch, tạo điều kiện tối đa để người dân giám sát mọi bước thực hiện.

Cần cơ chế đặc thù để di dời nhà ven kênh rạchCần cơ chế đặc thù để di dời nhà ven kênh rạch

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, nhưng 20 năm qua việc thực hiện rất ì ạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp