Hướng dẫn viên người Trung Quốc (hàng đầu) dẫn khách lên xe - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Sau một loạt “bộ quy tắc ứng xử” dành cho du khách được các địa phương ban hành, UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng vừa giới thiệu bộ quy tắc, trong đó yêu cầu du khách “không đưa thông tin sai sự thật nhằm bôi xấu hình ảnh địa phương”.
Ngày 23-8, ông Nguyễn Sỹ Khánh - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP Nha Trang nhằm mục tiêu biến Nha Trang trở thành “đô thị du lịch văn minh”.
Theo giải thích của ông Khánh, “không đưa thông tin sai sự thật” là phải nói đúng như đã nghe, đã tìm hiểu và không xuyên tạc về văn hóa, lịch sử hình thành... của một di tích khi nói chuyện hoặc viết trên trang cá nhân...
Trong khi đó, ông Đinh Văn Cường - trưởng Phòng văn hóa và thông tin TP Nha Trang, đơn vị tham mưu bộ quy tắc - cho biết việc xây dựng bộ quy tắc này là do thời gian qua nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt các đoàn khách người Trung Quốc, khi đến tham quan các di tích của TP Nha Trang đã được hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc thuyết minh sai sự thật, xuyên tạc lịch sử địa phương.
“Chúng tôi đang làm những bảng thông tin bằng nhiều thứ tiếng tại các điểm tham quan để du khách có nhận thức đúng đắn về di tích, thắng cảnh địa phương. Ngoài ra, địa phương đang duyệt phương án đưa hướng dẫn viên đến các điểm tham quan để thuyết minh đầy đủ, chính xác lịch sử hình thành, văn hóa các điểm đến, tránh sự xuyên tạc. Quy định về không nói sai sự thật, bôi xấu địa phương cũng nhằm cụ thể hóa những việc làm này” - ông Cường cho biết.
Về việc chế tài du khách “thông tin sai sự thật”, ông Khánh nhìn nhận “rất khó xử lý” khi du khách rời khỏi Nha Trang và đăng tải các thông tin thiếu chính xác trên trang cá nhân. Do đó, bộ quy tắc chỉ nhằm tuyên truyền, vận động người dân, du khách hướng đến việc chung tay xây dựng TP văn minh, thân thiện.
“Chúng tôi tuyên truyền vận động là chính, nhưng nếu du khách cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tùy theo mức độ chứ không nói suông” - ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết ủng hộ việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên để Nha Trang tiếp đón khách phải thân thiện, niềm nở hơn. “Điều đó cũng giúp người dân, chính quyền và khách du lịch có cùng cách ứng xử, hướng đến một TP văn minh, thân thiện, tránh các hành vi xấu xảy ra” - ông Thành nhận định.
* Ông Lê Hữu Minh (phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế): Quy tắc phải đi liền với giải pháp Chúng tôi đang chờ bộ khung chuẩn bộ quy tắc ứng xử của Tổng cục Du lịch ban hành để hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử của du lịch Thừa Thiên - Huế và sẽ ban hành trong nay mai. Thực tế cho thấy bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là các quy tắc phải phù hợp với thực tế của mỗi địa phương và phải mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Không chỉ có lệnh cấm mà phải gắn với giải pháp thực hiện, đảm bảo mọi đối tượng, nhất là với du khách, phải tuân thủ quy tắc mà vẫn cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn, quy định du khách phải ăn mặc lịch sự khi vào tham quan nơi tôn nghiêm, thì phải có áo quần lịch sự tại điểm tham quan đó cho du khách mặc và miễn phí. Có những điểm tham quan buộc du khách phải bỏ giày ra ngoài nhưng không có chỗ để bảo quản giày cho khách. Nếu giày bị mất lại gây ra sự tranh cãi không đáng có, tạo sự bực dọc cho khách và tất nhiên cũng tạo ra hình ảnh không đẹp cho ngành du lịch. M.TỰ ghi |
* Ông Trần Chí Cường (phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng): Tạo thành “cái nếp” ứng xử văn minh cho du khách Sau gần một tháng rưỡi phát hành 5.000 bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung Quốc được phát tại sân bay, nhà ga, các khu điểm du lịch và hệ thống khách sạn trong TP đã hết sạch (đầu năm 2016 đã ban hành bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho tất cả du khách đến Đà Nẵng), chúng tôi đang cho in tiếp bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung và sắp tới sẽ phát hành thêm tiếng Hàn Quốc cho du khách. Dẫu chưa được lượng giá kết quả ban đầu nhưng thực tế cho thấy tình hình du lịch trên địa bàn đã trật tự và quy củ hơn, không có hành vi nào tổn hại đến môi trường du lịch. Thực ra, bộ quy tắc này không chỉ điều chỉnh các hành xử trong lĩnh vực du lịch của du khách mà phân ra thành bốn nhóm đối tượng đều liên quan đến du lịch (các cơ quan, ban ngành liên quan đến du lịch, ngành du lịch, người dân và du khách), những ai tham gia lĩnh vực này đều phải thực hiện. Trên cơ sở đó, tạo thói quen dần cho những đối tượng tham gia hoạt động du lịch, hình thành dần cái nếp để hạn chế tối đa những hành vi sai trái bởi thay đổi một thói quen không tốt là không hề đơn giản, một sớm một chiều. Tuy nhiên, việc chế tài các hành vi vi phạm quy tắc cũng khó, vì nó không nằm trong các vi phạm quy định nhà nước. Dù sao mình cũng khuyến cáo, nhắc nhở trước nên tạo được môi trường du lịch văn minh hơn, hạn chế được những vi phạm, khi đó du khách họ sẽ có ý thức tốt hơn. Còn các hành vi, ứng xử sai trái của du khách nơi công cộng sẽ bị phạt, với mức phạt cụ thể từng hành vi vi phạm. VIỆT HÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận