01/10/2016 20:42 GMT+7

Nhà toàn kính chặn gió cho nắng nóng tràn ngập

VÕ HƯƠNG - MAI CÔNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MAI CÔNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG

TTO - Trong khi tòa nhà hành chính dáng vẻ hiện đại lắp đầy kính 2.000 tỉ đồng của Đà Nẵng đã và đang vất vả trong nắng nóng, thiếu "khí tươi" thì những công trình, ngôi nhà toàn kính vẫn tiếp tục mọc lên...

Một ngôi nhà lắp kính toàn bộ mặt tiền ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: M.C.

Việc lạm dụng kính trong thiết kế, xây dựng có thể xem là một đổi mới táo bạo trong thiết kế, thi công so với kiểu nhà truyền thống ở Việt Nam, nhất là miền Nam, bao gồm cả nhà xưa của ông bà ta cho đến nhà kiểu Pháp trước năm 1954, kiểu Sài Gòn trước năm 1975.

Dù kiểu dáng khác nhau hoàn toàn nhưng không ai có thể phủ nhận những ngôi nhà truyền thống rất mát và nắng chỉ vừa đủ, bởi nó tuân thủ một nguyên tắc thiết kế, thi công truyền thống ở Việt Nam, nhất là miền Nam: gió vô được mà nắng vô không được.

Cụ thể nhà Việt Nam mái dài, tường không bao giờ đưa ra ngoài (nên khó thấm dột). Nhà kiểu Pháp nhiều lớp tường ngoài, tường trong dày (giữa là hành lang đi lại), cửa số lá sách. Nhà kiểu Sài Gòn, như dinh Độc Lập, Thư viện quốc gia... chẳng hạn, dùng lam dày đặc chắn nắng nhưng không chắn gió.

Trong khi đó, những năm gần đây, khi hàng loạt công trình cao tầng ốp kính nhìn rất sang trọng đang phải trả giá về chi phí vận hành hệ thống điều hòa, bảo quản thì vẫn có những tòa nhà mới, ngôi nhà mới tiếp tục mọc lên kiêu hãnh trong dáng vẻ hiện đại của kính. 

Những công trình toàn kính nắng vô được nhưng gió vô không được.

Với một vùng đất nhiệt đới gió mùa, điện năng đầu người thấp như Việt Nam, liệu những công trình lấp lánh kính có thật sự phù hợp hay không?

Càng nhiều kính càng hiện đại?

Kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ đặt vấn đề hiện đang có xu hướng sử dụng kính với “liều lượng khủng” trong công trình kiến trúc nói chung, cao ốc nói riêng, trong đó có công trình tòa nhà Bitexco ở TP.HCM và tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng.

Một tòa nhà dáng vẻ hiện đại với mặt tiền kính và nhôm trên đường Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh: M.C.

KTS Khương Văn Mười, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho rằng kính là loại vật liệu mới, tạo dáng cho công trình có đặc tính nhẹ nên thường được sử dụng cùng với nhôm cho những tòa cao ốc.

Kiến trúc ốp kính ở các tòa cao ốc được sử dụng rất phổ biến bất kể ở nước nhiệt đới hay ôn đới. Chẳng hạn với hai nước có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam là Thái Lan và Malaysia, vẫn có nhiều công trình sử dụng loại vật liệu này. 

Kiểu nhà truyền thống lâu nay ở Việt Nam, bao gồm cả nhà xưa của ông bà ta cho đến nhà kiểu Pháp trước năm 1954, kiểu Sài Gòn trước năm 1975, kiểu dáng khác nhau hoàn toàn nhưng giống nhau ở một điểm phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam, nhất là miền Nam: gió vô được mà nắng vô không được.

Nhiều công trình toàn kính hiện nay thì nắng vô được nhưng gió vô không được.

Kính vì lẽ đó cần được sử dụng như “lớp áo” thứ hai có thể đóng mở được cùng với lớp áo thứ nhất là hệ thống lam thông gió, chiếu sáng hoặc các khoảng lùi của ban công... Theo ông Sĩ, kính tuy tạo nên sự hào nhoáng nhưng là vật liệu vô cùng khó chịu do hấp thu bức xạ và là một trong nhiều nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.

“Ngày nay đang có quan niệm cho rằng công trình sử dụng càng nhiều kính thì sẽ càng hiện đại. Hiện đại đến đâu chưa rõ song hậu quả nhất định của những công trình cao ốc bị bịt kín bằng kính đã và đang nhanh chóng bộc lộ rõ điểm yếu, điển hình như việc thiếu khí tươi, nóng bức đã được ghi nhận ở tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng” - ông Sĩ nói.

Vận hành tốn kém

Các chuyên gia đều cho rằng việc quản lý và vận hành tòa nhà ốp kính rất tốn kém.

Theo KTS Khương Văn Mười, công trình ốp kính có dạng tròn sẽ hấp thụ ánh nắng nhiều hơn nên việc tính đến giải pháp làm mát chắc chắn phải có ngay từ khi công trình còn nằm trên bản thiết kế, chứ không thể nói là sau khi xây xong mới tính giải pháp khắc phục tình trạng thiếu khí tươi, nóng nực.

Một tòa nhà có mái vòm và mặt tiền toàn kính màu xanh ở Tân Bình sau khi xây dựng ít lâu đã phải trải bạt lên trên chống nắng nóng - Ảnh chụp năm 2011
Chỉ ít lâu sau khi trải tấm nhựa, mái vòm vẫn phải sửa chữa nhiều lần do tấm trải rộp tơi tả trong nắng - Ảnh: M.C.
Mới đây nhất mái vòm này đã được thay vật liệu che mái bằng tấm trải nilông (ảnh chụp chiều 1-10) - Ảnh: M.C. 

Người thiết kế luôn phải tính đến hệ thống làm mát không khí bên trong, cung cấp khí tươi và xử lý các tình huống cúp điện, phải dự trù được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho tòa nhà.

“Một khi quyết định xây công trình ốp kính thì phải rất cẩn trọng và có tính toán kỹ, không thể nào không nghĩ đến chi phí vận hành và bảo trì” - KTS Khương Văn Mười nói.

Ngoài vật liệu kính, khi thi công các công trình ốp kính là những khung nhôm, các mối nối cũng phải được kiểm tra rất kỹ.

Ông Lê Công Sĩ nhìn nhận khí hậu ngày nay đã khác, nhiệt độ môi trường đã, đang và sẽ tăng lên nhiều, nên tự thân công trình không thể không sử dụng các giải pháp phụ trợ về chiếu sáng và làm mát như việc sử dụng kính cho công trình để lấy sáng và sử dụng máy điều hòa.

Về giải pháp chống nóng, gió, mưa, KTS Khương Văn Mười cho biết cụ thể như sau:

Với gió và mưa, người thiết kế phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình bằng gioăng và silicon kết dính để tránh khe hở.

Với nắng nóng thì có thể tăng cường lam che nắng hoặc phản quang để ánh nắng không tác động trực tiếp đến bên trong tòa nhà. 

Hàng hiên bằng kính đang là kiểu thiết kế khá quen mắt gần đây - Ảnh: M.C.

 

Một hàng hiên khu chung cư ở quận 2 sau một thời gian sử dụng - Ảnh: M.C.

 

Có nhiều cách hiện đại khác

Trong kiến trúc, sự hiện đại của công trình biểu hiện bởi nhiều yếu tố: ngôn ngữ tạo hình (hay hình khối), vật liệu sử dụng, dây chuyền công năng...

Theo đó, một công trình sử dụng nhiều hoặc toàn bộ vật liệu được cho là hiện đại, như kính chẳng hạn, chưa hẳn thể hiện tính hiện đại khi nó được tạo hình không phù hợp hay dây chuyền công năng lắt léo, chồng chéo, đặc biệt khi đi vào hoạt động công trình lập tức biểu hiện nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có nóng bức, thấm dột...

Tính hiện đại trong kiến trúc không thể hiện qua vật liệu mà chỉ thể hiện qua ngôn ngữ tạo hình. Có thể nhìn vào công trình dinh Độc Lập ở TP.HCM của cố kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ để thấy công trình được tạo hình mặt đứng gồm những “dàn lam” (thực chất là hình những cây tre cách điệu), thể hiện rõ nét yếu tố dân tộc và đến nay không ai có thể phủ nhận tính hiện đại của công trình này. 

 

 

VÕ HƯƠNG - MAI CÔNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp