Phóng to |
Trò chuyện cùng phóng viên Tuổi Trẻ, “người đàn bà ngồi đan” nồng nàn và quyết liệt thuở nào giờ lành hiền như là ở ẩn trong khu vườn nhỏ Gò Vấp. “Lòng đã nên nhẫn nại/ sau nghìn muôn đổi thay”, nhà thơ đã nói vậy với lòng mình (Rau me đất).
Ý Nhi chia sẻ: “Hồi năm 2000, trước khi nghỉ hưu tôi đã in một tuyển thơ, nghĩ rằng sẽ “rửa tay gác kiếm”, không viết gì thêm nữa. Vậy mà lại loay hoay viết truyện, phác thảo chân dung... Hóa ra mình chẳng “định” được điều gì. Một lý do khác của sự chậm trễ là... tuổi già. Mình không còn háo hức, vội vã như hồi còn trẻ. Cuối cùng thì tuyển tập đã in xong. Cũng có vui mà cũng có buồn. Một chặng đường sáng tác hơn 40 năm mà chỉ có vậy, thật nghèo nàn, phải không? Tuy vậy, tôi cũng còn vài dự định nho nhỏ và sẽ cố hoàn tất”.
* Vậy thơ trong tuyển tập lần này có gì khác với thơ tuyển của hơn 10 năm trước?
- Đối với người sáng tác không có bài thơ toàn bích, nên mỗi lần đọc lại thơ là thêm một lần xem xét, đánh giá, thay đổi, sửa chữa. Hồi làm tuyển thơ, tôi lược bỏ nhiều bài trong các tập thơ lẻ. Lần này lại lược bỏ thêm một số. Ở một số bài, tôi đặc biệt chú ý đến sự ngắt nhịp của câu thơ để hiệu quả diễn đạt cao hơn. Chắc chắn sẽ phải bỏ thêm nhiều nữa nếu có điều kiện in một lần nữa, kiểu như một tinh tuyển vậy. Người viết cần có độ lùi để nhìn nhận chính mình.
* Có lẽ nhiều bạn đọc biết đến nhà thơ Ý Nhi như một người làm thơ thuần túy, trong khi đó bà còn viết cả truyện ngắn mà lại viết rất chuyên nghiệp. Xin nhà thơ cho biết cơ duyên nào khiến bà đến với truyện ngắn?
- Tôi nghĩ một người làm nghề viết thì có thể viết đủ các thể loại cũng là bình thường thôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi gửi truyện ngắn Cỏ cho báo Lao Động, nhà thơ Hoàng Hưng nói nửa đùa nửa thật: làm được thơ thì cái gì cũng làm được. Tôi coi đó là lời động viên quý báu. Lúc đó tôi không làm thơ nữa. Không phải là không thể viết nhưng viết ra thấy cũng vầy vậy hoặc tệ hơn nên tôi quyết định ngừng hẳn. Lúc đầu cũng ổn, thậm chí thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi nữa. Thế nhưng tôi đã nhầm. Và, một cách thật tự nhiên, tự nhiên như mình phải làm một công việc hằng ngày, tôi viết các bài giới thiệu thơ, các truyện ngắn và chân dung.
* Bà có đọc nhiều thơ trẻ hôm nay?
- Tôi quen biết nhiều nhà thơ trẻ và vì vậy mà được đọc họ tương đối nhiều. Tôi nghĩ họ đã đem lại cho nền thơ ca Việt Nam đương đại một khí chất mới, một giọng điệu mới. Nhưng không hiểu vì sao với một số lượng đông đảo, trong đó có nhiều tài năng, họ vẫn không tạo nên một thế lực? Phải chăng đời sống nói chung, đời sống văn hóa nói riêng ngày nay quá rộng lớn, quá đa dạng, đa diện, khiến người ta rất khó tạo nên một ấn tượng, nhất là một ấn tượng đặc biệt, có thể có sức hút, có sức lan tỏa, có lực chi phối mạnh mẽ.
* Là một nhà thơ, điều tâm tình gan ruột nhất mà bà muốn gửi gắm là gì?
- Tôi coi câu nói này của họa sĩ Thái Tuấn là lời dạy cho mình khi viết: “Tác phẩm nghệ thuật không là một phương tiện, nó chính là cái đích đã đạt tới”. Đừng bao giờ lợi dụng thơ!
Nhà thơ Ý Nhi sinh năm 1944, quê Hội An, Quảng Nam. Đã xuất bản chín tập thơ, trong đó Người đàn bà ngồi đan (1985) đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ý Nhi tuyển tập không chỉ có thơ mà còn có truyện ngắn và ký chân dung văn nghệ. Không trực tiếp nói ra tuyên ngôn nghệ thuật, quan niệm sống của mình, nhưng thông qua từng trang viết, nhà thơ bộc lộ ý thức, tình cảm được sống đơn sơ. Với những độc giả đã quen thuộc thơ Ý Nhi, có thể ngạc nhiên thú vị khi đọc truyện ngắn của bà. Là một người mê bóng đá cuồng nhiệt và chưa bao giờ ngừng tới sân cỏ... trên tivi, Ý Nhi viết truyện ngắn, có lẽ cũng kết hợp giữa đấu pháp và sự ngẫu hứng, khiến trang văn mạch lạc mà cũng không kém bất ngờ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận