"Ấm áp, dịu dàng, xinh đẹp như một tòa lâu đài trong thế giới cổ tích. Giữa một đô thị nhộn nhịp, không gian nhà thờ Tân Định lại làm tôi cảm thấy rất thư thái, bình yên đến lạ. Rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới mách nhau tìm đến nơi này", anh Rohit Kumar, du khách người Ấn Độ, chia sẻ.
Nhà thờ Tân Định (quận 3, TP.HCM) được ví như một công trình cổ kính màu hồng biểu trưng cho tôn giáo, và ngọt ngào, xinh đẹp như một chiếc bánh kem.
Màu hồng chính là điểm nhấn độc đáo, bắt mắt và đặc trưng riêng của nhà thờ Tân Định so với những nhà thờ khác tại Việt Nam. Người dân tại TP.HCM cũng thường gọi là "nhà thờ màu hồng".
Mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí, nhà thờ Tân Định toát lên vẻ đẹp cổ điển của phương Tây và nét hiện đại, trẻ trung từ chính tông màu hồng và trắng.
Được xây dựng từ năm 1870, nhưng đến năm 1957, nhà thờ mới được khoác lên một tấm áo màu hồng phấn, làm sáng rực cả một góc đường Hai Bà Trưng ngày nay.
Từ xa, du khách có thể nhìn thấy cây thánh giá cao 3 mét trên đỉnh ngọn tháp chính, bên trong có 5 quả chuông nặng khoảng 5,5 tấn. Hai tháp phụ ở hai bên có nhiều cửa sổ đón nắng, được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Nhà thờ Tân Định thân thuộc với người dân tại TP.HCM nói chung và các tín đồ Công giáo nói riêng. Đến mức cứ mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, Tết Nguyên đán, người dân háo hức ghé xem nhà thờ được trang trí như thế nào, khác gì với năm ngoái, buổi tối lên đèn có lung linh, rực rỡ không.
Bên cạnh đó, tờ Hindustan Times còn giới thiệu một số điểm đến không thể hồng hơn như hồ Hillier (Úc), Jaipur (Ấn Độ), bãi biển Cát Hồng (Bahamas), công viên Hitachi (Nhật Bản), Laguna Salada de Torrevieja (Tây Ban Nha), lâu đài Craigievar (Scotland) và Las Coloradas (Mexico).
Dòng nước màu hồng ở hồ Hillier đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn với giới khoa học Úc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các kết quả khác nhau như các loài tảo, vi khuẩn, muối... khiến dòng nước tại đây có màu hồng tuyệt đẹp, óng ánh dưới nắng mặt trời. Trong đó, vi tảo Dunaliella Salina được gọi tên tại một báo cáo nghiên cứu gần nhất.
Thành phố Jaipur (Ấn Độ) sống động trong chiếc áo khoác màu hồng kể từ năm 1876. Khi nữ hoàng Vitoria và hoàng tử Albert của Xứ Wales công du Ấn Độ, người dân bản địa đã phủ sơn hồng lên nhiều công trình trong thành phố để thể hiện sự hiếu khách. Trong đó, Hawa Mahal hay còn gọi là "Cung điện của gió", được xem là một biểu tượng màu hồng nổi bật nhất của thành phố.
Pink Sands tại Bahamas nổi tiếng với thiên đường biển hoang sơ dài hàng cây số với thảm cát hồng ôm trọn dòng nước xanh trong. Màu hồng này được tạo ra từ các loài côn trùng san hô nhỏ (foraminifera) có vỏ màu hồng hoặc đỏ tươi dạt vào bờ, kết hợp với các mảnh san hô và cát trắng.
Được ví như lăng kính vạn hoa mỗi mùa thay áo, rực rỡ tựa xứ sở thần tiên, công viên quốc gia Hitachi (Nhật Bản) được phủ hồng rực khi mùa thu gõ cửa. Đó là lúc cây kokia chuyển từ màu xanh sang sắc hồng đỏ, thu hút khách du lịch trên khắp thế giới đến chiêm ngưỡng.
Là hồ nước mặn lớn nhất châu Âu, màu hồng của hồ nước Laguna Salada de Torrevieja được tạo ra từ vi khuẩn Halobacteria, tảo Dunaliella Salina, cùng phát triển mạnh trong môi trường có nồng độ muối cao. Du khách khi đến Tây Ban Nha đều mong muốn một lần ngắm hồ nước màu hồng tuyệt đẹp này.
Lâu đài Craigievar của Scotland chính là nguồn cảm hứng để Walt Disney vẽ nên lâu đài trong câu chuyện Lọ Lem. Lâu đài này hiện tại đã bị hư hại nhiều qua thời gian. Công trình đang được trùng tu để giữ nguyên được nét đẹp cổ điển, thơ mộng nằm giữa những tán cây xanh tươi với khu vườn rộng lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận