'Hoa từ rác' là chủ đề đêm nhạc đặc biệt xuất phát từ ý tưởng của nhà thơ Nguyễn Duy, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người.
Nhà thơ Nguyễn Duy - phó viện trưởng Viện đào tạo văn hóa, nghệ thuật & truyền thông Trường đại học Văn Lang, đại diện ban tổ chức - cho biết ông và ông Ngô Việt - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar (chuyên về xử lý rác thải), đại diện nhóm Feelings - mất gần một năm để lên ý tưởng kịch bản và chuẩn bị cho đêm nhạc đặc biệt "Hoa từ rác".
Có gì đặc biệt?
Nhà thơ Nguyễn Duy nói với Tuổi Trẻ: "Điểm nhấn của đêm nhạc "Hoa từ rác" là phần giao lưu chia sẻ thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất.
Tôi sẽ kể về hoàn cảnh, cảm hứng sáng tác bài thơ Rác thiên đường vào năm 2018 tại Huế khi tham gia chiến dịch làm sạch thành phố Huế".
Ông chia sẻ bài thơ được lấy cảm hứng sáng tác từ hình ảnh nhặt rác ở sông Hương (Huế) của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
"Em đi nhặt rác bên sông, thấy em đổ bóng mà lòng ta đau/ Hỏi rằng rác xả từ đâu? Dạ thưa rác tự trong đầu xả ra... Em đi làm đẹp quê nhà, đẹp từ ngọn cỏ đẹp qua bóng người/ Hương giang lóng lánh ánh cười, rác thiên đường: cọng lá rơi trên đường".
Nhà thơ Nguyễn Duy giải thích rác thiên đường là những chiếc lá vàng, cành khô rụng từ cây.
Để chuyển tải thông điệp này, chương trình sẽ có sự kết hợp giữa nghệ thuật chế tác, hát, múa, đọc thơ cùng ban nhạc. Các ca khúc chọn đưa vào chương trình do nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến... sáng tác.
"Dù các bài hát không liên quan gì đến rác nhưng chúng có giai điệu đẹp, thể hiện được thông điệp cuộc sống tươi vui, tích cực. Riêng ca khúc kết chương trình là Earth Song (Bài ca Trái đất) mang thông điệp tôn vinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi chúng ta" - nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ.
Dàn dựng sân khấu từ vật liệu tái chế
Giải thích chủ đề đêm nhạc "Hoa từ rác", nhà thơ Nguyễn Duy nói: "Theo nghĩa đen là tìm trong bãi rác được các vật tái chế để tạo nên những sản phẩm đẹp. Còn về nghĩa bóng, "Hoa từ rác" là tìm những cái đẹp trong cái không đẹp (rác)".
Đêm nhạc gồm bốn chương chính: Nhớ về quê hương, Rải và nhặt, Môi trường muôn sắc, Hoa từ rác. Thời lượng đêm nhạc dự kiến kéo dài 2 tiếng.
Sân khấu được dàn dựng bằng những sản phẩm, vật dụng độc đáo được tái chế từ những phế liệu bỏ đi được nhặt từ nhà máy chế biến rác.
Đó là tòa tháp được làm từ phế liệu sẽ bài trí ở vị trí trung tâm của sân khấu. Ca sĩ có thể hát, biểu diễn bên trong, phía ngoài và cả ở trên tháp này.
Bàn, ghế được làm từ sắt vụn của các xe tải, máy kéo... cũng làm từ phế liệu, bố trí tạo điểm nhấn cho sân khấu thêm sống động và ý nghĩa.
Nhóm Feelings, sinh viên Trường đại học Văn Lang sẽ đảm nhận phần biểu diễn các ca khúc mà không mời ca sĩ nổi tiếng với mong muốn các bạn sinh viên hát phục vụ sinh viên để tạo sự gần gũi hơn.
Về âm nhạc, ban tổ chức cho biết sẽ làm mới bằng cách "chuẩn hóa nghệ thuật", tức là sử dụng bản phối gốc, không "phá cách" như bây giờ, cũng không chạy theo thị hiếu âm nhạc của giới trẻ.
"Đây là chương trình thử nghiệm, nếu tổ chức thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng tổ chức tại nhiều địa điểm ở TP.HCM và các tỉnh thành khác như Huế, Hà Nội" - nhà thơ Nguyễn Duy cho biết thêm.
Dự kiến đêm nhạc "Hoa từ rác" sẽ diễn ra vào tối 10-10 tại hội trường Trịnh Công Sơn, Trường đại học Văn Lang (TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận