Tác phẩm Giá trị sống của Lê Thánh Thư
Nhiều nghệ sĩ thương tiếc trước sự ra đi của ông, nhưng ai cũng hiểu cuộc đời Lê Thánh Thư đã luôn sống trọn vẹn với nghệ thuật như thể mỗi ngày đều là đích đến.
Lê Thánh Thư đến với hội họa bằng sự chủ đích. Dù đã làm thân với nghệ thuật từ những bài thơ đăng báo, tạp chí, ông vẫn quyết định rẽ ngang sang con đường hội họa năm 26 tuổi.
"Gieo vần" với màu
Ước muốn điên cuồng được kể chuyện bằng màu sắc, hình ảnh đã cuốn Lê Thánh Thư vào nghiệp vẽ. "Ngôn ngữ chữ viết nhiều khi lại không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt. Hội họa đã cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật" - ông nói về quyết định của mình.
Ngày đầu tự học vẽ, ông đã sống trong căn gác thuê vỏn vẹn 2m2. "Nơi đó tôi sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp, chỉ có vẽ và vẽ trong đơn độc. Đấy là thời kỳ tôi sống tận đáy của cuộc đời" - Lê Thánh Thư từng kể.
Chân dung Lê Thánh Thư qua ngòi bút của họa sĩ Trương Đình Uyên - Ảnh: FBNV
Năm 1989, người họa sĩ bước ra khỏi căn phòng bằng triển lãm cá nhân đầu tiên ở TP.HCM. Cũng ngay trong buổi trưng bày ấy, tác phẩm của ông đã làm rung động nhà sưu tập Yukio Ogushi.
Với giới nghệ thuật, Yukio là một tên tuổi lớn, sở hữu hơn 500 tác phẩm của họa sĩ Việt Nam. "Tôi đã mua tranh của vài chục họa sĩ Việt Nam, nhưng bức tranh đầu tiên là của Lê Thánh Thư vào năm 1989, và đây là họa sĩ Việt Nam mà tôi thích nhất" - nhà sưu tập người Nhật chia sẻ.
Đó cũng là cơ duyên để tranh Lê Thánh Thư chu du sang Nhật, triển lãm liên tục ở Tokyo, Osaka, Kobe và được công chúng xứ người đón nhận.
Yukio Ogushi, không may, cũng vừa qua đời cách đây nửa tháng.
Trong sáng tác, Lê Thánh Thư đã thử nghiệm qua một số trường phái: trừu tượng trữ tình, bán trừu tượng và rồi đến giai đoạn những tác phẩm ông không còn gọi ra khuynh hướng cụ thể nữa.
Tác phẩm Không gian sống - Ảnh: FBNV
Họa sĩ quy cảm xúc của mình về đơn sắc, đẩy thẩm mỹ lên cực đoan với sự quyết liệt, dữ dội hơn trong một bố cục chi chít họa tiết.
Say mê hội họa, nhưng Lê Thánh Thư chưa bao giờ ngơi viết. Ông viết thơ trong nhật ký, thi thoảng đọc cho bạn nghe.
Trong thơ của người nghệ sĩ, có đôi khi người đọc thấy ông đã dọn đường để rời cõi tạm: "Không có gì phía trước/ Chẳng còn gì phía sau/ Tôi huýt sáo bài ngụy âm lạc loài trên rẫy đầy gai mắc cỡ/ Và đi không nói/ Tôi chẳng còn đợi ai/ Nơi mảnh vườn um khói".
Người họa sĩ dễ mến
Tin họa sĩ Lê Thánh Thư ra đi trong những ngày này đã nhuốm gam màu trầm buồn lên giới họa sĩ TP.HCM. Họa sĩ Uyên Huy không giấu được sự tiếc nuối khi nghĩ về người bạn của mình: "Lê Thánh Thư là trường hợp rất đặc biệt của nền hội họa thành phố, đến với tranh bằng tự học nhưng lại nhanh chóng gặt hái thành công và được nhiều người sưu tập.
Tranh của Thư kích thích người xem bằng hình họa cuốn hút với không gian thoáng và lối vẽ trừu tượng riêng".
Bài báo giới thiệu họa sĩ Lê Thánh Thư trong triển lãm Tokyo năm 1999 - Ảnh: FBNV
Họa sĩ Siu Quý - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - nhìn thấy ở tranh Lê Thánh Thư "đầy chất thơ và tính tự sự".
Với anh, Lê Thánh Thư vẫn luôn là một họa sĩ dễ mến và gắn kết thân tình với sinh viên mỹ thuật. Mỗi lần đến chơi nhà, họa sĩ Siu Quý đều thấy người đàn anh thử nghiệm phong cách mới.
Nhà sưu tập Nguyễn Quang Cường, chủ phòng tranh Phương Mai Gallery - nơi họa sĩ Lê Thánh Thư từng tổ chức nhiều triển lãm, cũng có nhiều kỷ niệm với ông. "Tranh anh Thư sao thì tính ảnh vậy.
Những bức tranh đơn sắc với vô số điểm nhỏ đã tạo nên phong cách độc đáo của họa sĩ Lê Thánh Thư. Qua những bức tranh đó, người xem có thể phần nào mường tượng con người của anh Thư: bộc trực, thẳng thắn trước mọi vấn đề và không ngại động chạm".
Họa sĩ Lê Thánh Thư
Họa sĩ Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn, qua đời do COVID-19 vào sáng 16-7 tại nhà riêng ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Ông đã được nhiều giải thưởng mỹ thuật; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận