Một số mẫu áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh
Năm COVID thứ hai… Những tưởng món biểu diễn thời trang nghệ thuật phải bó tay, cũng trùm mền chờ ngày "bình thường mới" để hoạt động trở lại. Nhưng không, nhà thiết kế Mình Hạnh không chịu ngồi im.
Chị tìm tòi vận dụng mọi khả năng mình có để có thể biến nguy thành cơ. Mọi ngành nghề đều sát cánh cùng ngành y tham gia chống dịch, thì ngành thiết kế thời trang cũng không thể đứng bên lề.
Minh Hạnh nghĩ ngay đến những bộ thiết kế, sưu tập thời trang áo dài nghệ thuật với chủ đề "Những thiên thần áo trắng".
Chất liệu sáng tạo chính là từ thực tế bi thương nhưng cũng rất nhiều thành công đáng ca ngợi của các lực lượng chống dịch, những chất liệu đó lại đã được chắt lọc bằng những bài hát, bản nhạc, tranh vẽ, những câu chuyện ghi dấu ấn của một thời kỳ đặc biệt nhất.
Sau khi chồng tôi mất (nhà văn Lê Văn Nghĩa) và khi đại dịch hoành hành, tôi phải lấy công việc để làm động lực sống và phấn đấu, cố gắng làm những việc gì có thể để góp sức vào công cuộc chống dịch đang còn rất cam go này. Còn trong nghề thiết kế thời trang, tôi nguyện làm "bà phù thủy" để mong được biến tất cả mọi người thành hoàng tử, công chúa!".
Nhà thiết kế Minh Hạnh tâm sự
Dự kiến đầu tiên là cuộc trình diễn thời trang áo dài để tôn vinh và tri ân "những thiên thần áo trắng" sẽ được tổ chức tại Đại học Y Hà Nội, sau đó 20 bộ sưu tập thời trang chủ đề Chống COVID-19 sẽ được triển lãm ở Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội. Nhưng một đợt dịch bất ngờ đã làm cuộc trình diễn quy mô này phải hoãn lại.
Không chịu thua, Minh Hạnh lập tức đổi hướng. Chương trình của chị sẽ lên sóng truyền hình với bộ sưu tập tranh apphich bộ đội tham gia chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Đây là bộ tranh được Huỳnh Dũng Nhân vẽ trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng, gồm những bức tranh lấy cảm hứng ca ngợi nét đẹp, sự hy sinh thầm lặng, cống hiến lớn lao của những người anh hùng áo trắng trên tuyến đầu, những người chiến sĩ, bộ đội, người dân thiện nguyện, thầm lặng, quả cảm trong mọi hoạt động chống dịch, góp sức vì miền Nam thân yêu.
Trước đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng đã có bộ sưu tập tranh cổ động cùng cảm hứng, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam chọn mua để trở thành trưng bày, ghi dấu một giai đoạn đặc biệt của đất nước.
Người viết bài này đã đến dự một ngày thu hình chương trình thời trang nói trên của nhà thiết kế Minh Hạnh.
Sân khấu được thiết kế như một khu vườn thượng uyển, với hồ nước, vườn hoa, thảm cỏ, cây cối và cả những cái lồng chim xinh xắn. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: "Tất cả đều là đồ thật, tôi không chấp nhận đồ giả trên sân khấu, cây lớn tôi cũng mua về. Không vận chuyển bằng thang máy được thì dùng cần cẩu cẩu lên.
Đến việc huy động bộ đội thứ thiệt tham gia hoạt cảnh chúng tôi cũng đi mời lính thật chứ không dùng diễn viên đóng. Song vì các doanh trại bộ đội trong mùa dịch đều đang bị cấm trại nên chúng tôi không mời được các chiến sĩ tham gia.
Ngay trên sân khấu chúng tôi cũng thiết kế một hồ nước, không có đường nước truyền vào thì các nhân viên phải xách nước đổ vào…
Các chậu hoa dùng trang trí làm thành lối đi diễn cũng được sắp đặt công phu, sáng tạo cho người mẫu có cảm hứng trình diễn chứ không phải cứ áp dụng máy móc công thức sàn diễn hình chữ T như một số chương trình thời trang khác...".
Trên sân khấu, nhà thiết kế Minh Hạnh khản tiếng điều hành từng việc nhỏ nhất trong lúc thu chương trình. Người mẫu Hồng Quế nói vui: "Hôm nay có vẻ cô la bọn em ít hơn mọi khi, vì với một chương trình nghệ thuật ý nghĩa thế này, bọn em ai cũng cố gắng".
Còn Thanh Huyền - nhân viên của Công ty Viet Mode - thì nói vui: "Tụi em toàn lén gọi cô là "bà phù thủy"!".
"Phù thủy" ở đây là nói về sự biến hóa, sáng tạo, quyết đoán. Nhưng cũng có nghĩa là người rất dữ dằn, thẳng tính, không nhượng bộ. Vì thế các nhân viên và người mẫu đều vừa sợ vừa thích được làm việc với "bà phù thủy".
Một số mẫu áo dài cho chương trình tôn vinh những chiến sĩ chống COVID-19 có sử dụng tranh vẽ cổ vũ chống dịch:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận