Phóng to |
Là giám đốc nhưng Năm (trái) kiêm luôn thợ dạy nghề và làm cùng lao động trong xưởng - Ảnh: Lâm Hoài |
Ông chủ của Công ty CTM với hàng chục công nhân này chỉ mới 23 tuổi và chưa học hết lớp 9.
Chế tạo robot
Lớn lên ở thôn Phù Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội, nơi có nhiều nghề truyền thống - chế biến nông sản, mộc, mây tre đan..., từ nhỏ Năm đã ấp ủ mơ ước tạo ra những chiếc máy giúp bà con quê mình bớt đi sự nặng nhọc, nguy hiểm trong công việc. Ước mơ của cậu trò nghèo giản dị là vậy, thế nhưng nhà nghèo, lại có tới sáu anh chị em, học tới lớp 9 Năm phải bỏ dở để ở nhà phụ giúp gia đình. Việc học còn dở dang nói gì đến chế tạo máy móc.
Bảng thành tích của Nguyễn Hữu Năm * Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2010. * Danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2009. * Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây năm 2006. * Giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ II năm 2005-2006. * Bằng khen do Hội đồng Đội trung ương cùng Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao tặng tháng 9-2005. * Giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 1-2005. * Bằng khen đoàn viên đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2000-2005. |
Năm 2005, Năm mang con robot đầu tay có tên DN5 (có chức năng là máy cẩu trục) đi dự thi tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Không ngờ con robot làm bằng phế liệu này đã vượt qua hơn 200 ý tưởng “ẵm” giải nhất! DN5 sau đó được chọn là một trong ba sản phẩm của VN tham dự triển lãm sáng tạo quốc tế tổ chức tại Ấn Độ.
Tiếp đó Năm tiếp tục chế tạo robot DC26 (có chức năng chống lật cho ôtô) từ đầu video hỏng và tấm ván ép. DC26 tiếp tục đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo lần hai. Cậu bé nghèo học hành dở dang bỗng chốc trở thành nhà sáng chế khiến cả làng Trường Yên kinh ngạc.
Thị trường lớn dần
Không hài lòng với chính mình, một thời gian dài Năm kiên trì lân la tới các xưởng cơ khí, cửa hàng bán phụ tùng săn tìm các loại máy tiện, phay cũ, sau đó về nhà tháo tung ra nghiên cứu với trăn trở “làm gì đó cho làng nghề nhà mình”.
Mất hơn một tháng mày mò, Năm tạo ra chiếc máy bào gỗ có công suất gấp năm lần máy thủ công, tiếp đó là chiếc máy kéo nan mành vừa tăng năng suất vừa hạn chế rủi ro cho người thợ.
Đầu năm 2007, sau thời gian dài thuyết phục gia đình, người thân cho vay vốn, Năm quyết định ra riêng mở xưởng cơ khí mang tên mình - Hữu Năm lúc vừa tròn 19 tuổi. Bằng kiến thức tích cóp được từ quá trình... học lỏm, Năm đào tạo những thanh niên trong vùng thành thợ tiện, thợ phay, lắp ráp, thợ hàn lành nghề.
Sau hai sản phẩm đầu tiên thành công, xưởng cơ khí của Năm tiếp tục chế tạo thành công máy thái sắn (củ mì) cỡ lớn với công suất 4 tấn/giờ - gấp 80 lần so với làm bằng tay. Tiếp đó là máy sấy nông sản cho năng suất cao gấp 2,5 lần so với cách làm truyền thống. Dần dần Năm thiết kế các loại máy đòi hỏi độ chính xác cao, kỹ thuật phức tạp như máy cuốn gầm, soi trục đứng, máy đục thủy lực, máy đục mộng vuông...
Chỉ hơn một năm sau khi ra đời, xưởng cơ khí Hữu Năm đã sản xuất thành công hơn 40 loại máy cơ khí dưới thương hiệu riêng của mình. Các loại máy này có chức năng tương tự các máy nhập ngoại từ Đài Loan, Nhật, Đức nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Đầu năm 2010 nhận thấy thị trường lớn dần, Năm quyết định thuê thêm nhân công, sắm máy móc thành lập Công ty CTM (viết tắt của cụm từ “chế tạo máy”). Hiện giờ xưởng cơ khí của Năm có gần 20 nhân công là thanh niên địa phương làm việc thường xuyên với mức lương 3,5-5 triệu đồng/tháng.
Thời gian gần đây Năm học thêm đồ họa 3D Max, Auto Cad để thiết kế sản phẩm trên máy tính. Vị giám đốc chân đất học hành dở dang còn chăm chỉ học tiếng Anh với dự định xuất khẩu sản phẩm cơ khí kỹ thuật cao của mình. Hiện tại Năm đang hoàn thiện đề án xây dựng khu liên hợp cơ khí - đồ gỗ trên mảnh đất hơn 1.000m2 ở Phù Yên, khi đi vào vận hành dự án này sẽ tạo việc làm cho thêm hàng chục thanh niên trong vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận