Khoảng 15h, cao ốc đang xây dựng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM phản chiếu mạnh ánh sáng mặt trời - Ảnh: HOÀNG AN
Tại TP Đà Nẵng, Hà Nội ghi nhận có nhiều tòa nhà cao tầng ốp kính bao phủ mặt ngoài nổi bật với độ phản quang cao, gây nhức mắt. Thế nhưng, theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, hiện chưa có quy định cụ thể trong việc sử dụng màu sắc các loại kính ốp trên các tòa cao ốc, văn phòng.
“Ở Nhật Bản và các nước, trong thiết kế đô thị chỉ nói riêng về màu sắc thôi người ta có cả một tập trình bày rất kỹ. Họ làm một thang màu từ màu sáng tới màu tối và khoanh vùng đoạn nào được làm, đoạn nào không được.
Kiến trúc sư Phan Đức Hải (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng)
"Kêu trời" vì lóa mắt
Tại TP Đà Nẵng, nổi bật và gây nhức mắt nhất phải kể tới công trình Trung tâm thương mại và văn phòng dịch vụ SHB Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Linh), và tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng (đường Như Nguyệt, Q.Hải Châu).
Tòa nhà SHB do Ngân hàng SHB làm chủ đầu tư cao 15 tầng, được ốp kính vàng phủ kín 3 mặt. Còn tòa nhà Risemount do Công ty Pavnc Risemount (cổ đông chính là Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland) làm chủ đầu tư, cao 31 tầng, được quảng cáo mặt ngoài ốp kính cường lực mạ vàng 24k, phản quang chống nóng. Hiện cả hai tòa nhà trên đều trong giai đoạn hoàn thiện phần mặt kính.
Việc phủ kính vàng chóe mặt ngoài của hai tòa nhà trên khiến nhiều cư dân xung quanh phản ứng vì "ô nhiễm" ánh sáng. Bà Phan Thị Thu Hồng (60 tuổi), một hộ bán cà phê và nước giải khát tại 62 Lê Đình Dương - cạnh tòa nhà SHB, cho biết cứ 8h-9h hằng ngày, ánh sáng từ các tấm kính trên tòa nhà phản chiếu rất mạnh, ánh sáng chói chang như mặt trời rọi thẳng, ảnh hưởng tới sinh hoạt và buôn bán của người dân cả khu phố.
"Khách vào uống nước ai cũng "kêu trời" vì ánh sáng phản chiếu từ cái kính màu vàng chói của tòa nhà làm lóa mắt không chịu nổi. Tôi không hiểu sao người ta lại làm kính phản chiếu như vậy. Mùa này trời còn mát chứ mùa hè tới thì sao mà chịu nổi" - bà Hồng than thở.
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Thông (68 tuổi), trú đường Đỗ Xuân Cát cạnh tòa nhà Risemount, cho biết hằng ngày cứ vào khoảng 15h-16h, mặt trời ban chiều phản chiếu từ mặt kính chóa vàng cả con đường và các hàng quán trong khu phố. "Tôi đã từng kiến nghị tổ dân phố có ý kiến với chủ đầu tư xem xét đổi màu kính khác, vì tất cả bà con ở đây đều rất khó chịu" - ông Thông nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trên nhiều tuyến đường ở TP Hà Nội, hầu hết các tòa cao ốc trung tâm thương mại, tòa nhà hỗn hợp hiện đại đều sử dụng kính làm vật liệu thay thế tường gạch. Loại kính được sử dụng thường có màu sắc trung tính, thân thiện môi trường, ít hấp thụ nhiệt như màu xám, đen, xanh nước biển, kính trong suốt không màu, ít phản quang, không làm nhức mắt người đi đường.
Tuy nhiên cũng có một số tòa nhà sử dụng kính màu nóng. Đơn cử như tòa cao ốc Grand Opening Doji Tower tại số 5 Lê Duẩn, sử dụng vật liệu kính có độ phản quang lớn, gây nhức mắt người tham gia giao thông cũng như những cư dân sinh sống quanh đó.
Còn tại TP.HCM chưa ghi nhận các tòa nhà sử dụng kính màu nóng thay thế vật liệu xây dựng. Tuy nhiên một số tòa nhà cao tầng khu vực Q.1 cũng đã sử dụng kính màu có thể gây hấp thụ nhiệt cao.
Đây cũng là nỗi băn khoăn của không ít nhà khoa học về việc các tòa nhà này có thể gây tác động xấu tới môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính ngày càng tiêu cực.
Tòa nhà ốp kính vàng gây phản chiếu ánh sáng mặt trời tại 89 Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Chưa có quy định màu sắc kính xây dựng
Về việc sử dụng kính màu trong các công trình xây dựng tại đô thị, ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết dù bộ tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu xây dựng không quy định về màu sắc, không hạn chế việc sử dụng các loại vật liệu khi xây dựng công trình, nhưng việc sử dụng vật liệu, trong đó có kính xây dựng các công trình cao ốc phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình.
Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng việc sử dụng vật liệu nào, độ phản quang, tránh bức xạ ra sao thì đơn vị thiết kế phải căn cứ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế để áp dụng, triển khai. Một công trình nếu bị cư dân xung quanh phản ảnh (phản xạ ánh sáng gây hại, gây tăng nhiệt độ...) thì cần thanh tra, kiểm tra xem thiết kế đã đúng chuẩn chưa và phải xử lý, chấn chỉnh.
Tuy nhiên rất nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng lại cho rằng hiện chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể về việc dùng kính màu như thế nào là đúng trong xây dựng các công trình, tòa nhà cao tầng. Do đó, theo kiến trúc sư Phan Đức Hải - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, các sở xây dựng phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và quản lý để không làm ảnh hưởng tới môi trường, ô nhiễm ánh sáng đô thị.
"Tôi thấy ở Việt Nam, làm thiết kế đô thị khi đề cập tới vấn đề màu sắc rất qua loa. Tại Nhật Bản và các nước, trong thiết kế đô thị chỉ nói riêng về màu sắc thôi, người ta có cả một tập trình bày rất kỹ. Họ làm một thang màu từ màu sáng tới màu tối và khoanh vùng đoạn nào được làm, đoạn nào không được" - ông Hải nói và cho rằng các sở xây dựng phải đưa ra quy định, hướng dẫn cụ thể về màu sắc và độ phản quang bằng các đặc tính lý tính. Từ đó lấy làm căn cứ xem xét trong từng trường hợp cụ thể để không làm khó cho người thiết kế và chủ đầu tư.
Còn kiến trúc sư Nguyễn Văn Duy - Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng - cho rằng để quy hoạch và quản lý hiệu quả, rất cần xây dựng những nguyên tắc chung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững các TP, hài hòa các lợi ích của nhân dân, nhà đầu tư, Nhà nước. Bởi theo kiến trúc sư Duy, ở các đô thị nên có quy định cụ thể về tầng cao, lồi lõm, màu sắc, độ phản quang trong xây dựng công trình ở các tuyến đường. Từ đó nhà đầu tư căn cứ vào quy định cụ thể đã có sẵn để tiến hành xây dựng công trình phù hợp.
"Khi đã có thiết kế đô thị với các điều kiện cụ thể cho từng khu phố, tuyến đường thì các chủ đầu tư buộc lòng phải xây dựng theo các quy định đó. Từ đó sẽ không còn xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay" - ông Duy nói.
Cấm dùng kính phản quang mạnh
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, từ phản ánh của báo chí, cơ quan này đang yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Trung tâm thương mại và văn phòng dịch vụ SHB Đà Nẵng báo cáo cụ thể. Theo Sở Xây dựng, trước đây sở đã mời chủ đầu tư lên họp, nhưng nội dung báo cáo chưa đầy đủ nên đã gia hạn thêm thời gian để chủ đầu tư gửi báo cáo tổng thể. Từ đó sở sẽ có căn cứ xem xét hướng xử lý.
Mới đây, ông Thái Ngọc Trung - phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - đã có công văn gửi UBND các quận huyện, các chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng đề nghị biện pháp chấn chỉnh tình hình này. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng khi triển khai lập hồ sơ thiết kế, cấp phép xây dựng phải bổ sung thông tin chi tiết loại kính sử dụng.
Đối với vật liệu kính sử dụng tại mặt tiền công trình phải ghi rõ các thông số kỹ thuật như: loại kính, xuất xứ, kích thước, bề dày, màu sắc, hệ số phản quang, hệ số hấp thu nhiệt. Về màu sắc của kính phải hạn chế tối đa các màu nóng như đỏ, bạc, vàng, cam. Không sử dụng loại kính có hệ số phản quang lớn, gây ảnh hướng tiêu cực tới môi trường và sinh hoạt của người dân lân cận.
Trong thuyết minh thiết kế và báo cáo thẩm tra hồ sơ thiết kế phải đánh giá sự phù hợp của các thông số kỹ thuật vật liệu kính nêu trên (đặc biệt lưu ý đến hệ số phản quang) so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Đối với các công trình có tính chất thương mại dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, ngoài các yêu cầu trên, hồ sơ thiết kế phải kèm theo phối cảnh màu (ban ngày) cho công trình. Trong đó thể hiện rõ màu sắc công trình, màu sắc của kính sử dụng tại mặt tiền công trình.
Việc thi công phải thực hiện đúng theo màu sắc được thể hiện trong phối cảnh. Theo Sở Xây dựng, các yêu cầu này sẽ áp dụng từ ngày 1-4-2020. Chủ đầu tư và các bên liên quan sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải xử lý khắc phục cho công trình nếu sử dụng vật liệu gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân lân cận.
Việc tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng ốp kính vàng chóe trên đường Như Nguyệt bị người dân phản ảnh nhưng vẫn đang được thi công - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Mai Như Toàn (giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ):
Cần Thơ đang lập quy hoạch phân khu
Tại Cần Thơ, việc sử dụng kính xây dựng trong quá trình cấp phép xây dựng miễn theo đúng thiết kế, hợp quy, hợp chuẩn là được chứ không quy định màu sắc. Ở Cần Thơ cũng không quy định công trình phải sử dụng kính màu gì mà phụ thuộc vào chủ đầu tư quyết định, miễn sao phù hợp với tiêu chuẩn là được. Trên thực tế các công trình cao tầng tại TP Cần Thơ có ốp kính bên ngoài cũng không có công trình nào có kính quá lòe loẹt, phản quang với ánh nắng gây chói mắt người đi đường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, nếu sử dụng kính xây dựng màu nóng như: cam, vàng, đỏ sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc khu vực đó. Do vậy, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đang lập các quy hoạch phân khu, sau khi quy hoạch được duyệt sẽ ban hành quy chế quản lý kiến trúc theo Luật kiến trúc, làm cơ sở quản lý cảnh quan đô thị.LÊ DÂN ghi
Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vũ Mai Hân:
Cần quy định hệ số phản quang của kính
Ở Việt Nam hiện chưa có một quy chuẩn riêng về kính (nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng...). Có một số tiêu chuẩn về kính được khuyến khích áp dụng nhưng cũng chỉ liên quan đến độ bền, độ an toàn, va đập... chứ chưa lưu ý đến hệ số phản quang, hấp thụ nhiệt, truyền sáng...
Theo tôi, công trình xây dựng từ cấp 2 do sở xây dựng cấp phép, ngoài hồ sơ thiết kế kỹ thuật cần có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ phòng cháy chữa cháy để thẩm định. Trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật thì các thông số kỹ thuật của kính ốp mặt tiền nằm trong phần thuyết minh về vật liệu sử dụng. Nhưng chưa có quy định bắt buộc chi tiết về việc sử dụng kính. Còn thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường hiện nay chủ yếu đánh giá các vấn đề về ô nhiễm, bụi, tiếng ồn, nguồn cấp nước, nước thải... chứ chưa đánh giá đến tác động hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng kính ốp mặt tiền.
Trong khi đó, theo xu thế, các nước tiến bộ hiện nay đều quy định hạn chế sử dụng kính (ốp mặt tiền, nói riêng) có hệ số phản quang lớn do các vấn đề môi trường (hiệu ứng nhà kính, nhiệt năng phát sinh...). Nhiều nước quy định công trình xây dựng mới phải áp dụng tiêu chuẩn xanh - là công trình có tỉ lệ cao sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Vì vậy theo tôi, Nhà nước cần có quy định cụ thể về hệ số phản quang, màu sắc với kính ốp mặt tiền công trình (nhất là công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng...). Hoặc quá trình cấp phép, cơ quan cấp phép cần thẩm định kỹ hồ sơ thiết kế và hồ sơ đánh giá tác động môi trường.
THÁI AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận