03/11/2016 10:09 GMT+7

Nhà ở thành quán karaoke: Khó tìm đường thoát

D.N.HÀ - T.LONG
D.N.HÀ - T.LONG

TTO - Hầu hết các địa điểm kinh doanh karaoke được cải tạo từ nhà liên kế nhiều tầng. Tại TP.HCM, PV Tuổi Trẻ đã có lượt khảo sát và tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn.

Đến chiều 2-11, cơ quan chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường tại tầng 2 của quán karaoke số 68 Trần Thái Tông - Ảnh: Q.THẾ
Đến chiều 2-11, cơ quan chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường tại tầng 2 của quán karaoke số 68 Trần Thái Tông - Ảnh: Q.THẾ

Tại “phố karaoke” trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (Q.10), nhiều quán karaoke cải tạo từ những căn nhà liên kế có mặt tiền 4-8m, cũng là cửa ra vào duy nhất của căn nhà.

Trừ tầng trệt, mặt tiền của căn nhà được bịt kín mít bằng panô, bảng quảng cáo, các bancông, phòng ở được cải tạo để tận dụng không gian làm phòng hát.

Bịt kín để hát - Quá nguy hiểm

Quán karaoke T. trên đường này đã kinh doanh hơn 10 năm. Cả năm tầng của căn nhà đều được chủ quán cải tạo, lắp hệ thống cách âm, ngăn thành 16 phòng. Phòng lớn chứa được 30 người, phòng nhỏ chứa 3-4 người.

Tòa nhà có một thang máy và một thang bộ, hành lang ở các tầng rất hẹp, dây điện chạy lộ thiên. Giữa ban ngày nhưng chủ quán phải mở đèn ở các lối đi vì tất cả các phía của căn nhà đều bị bịt kín, không có chỗ cho ánh sáng lọt vào.

Bàn ghế trong các phòng hát chủ yếu là salon bằng nệm, nhiều mảng trang trí bằng xốp, mút chất liệu mica giống như tất cả những quán karaoke khác.

Tương tự, nhiều quán karaoke trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)... cũng được cải tạo từ nhà ở liên kế bít bùng. Để ngăn tiếng ồn, chủ quán bịt kín hết toàn bộ lối ra bancông.

Quán karaoke L. trên đường Trần Bình Trọng (Q.5) tận dụng tầng hầm của một khu vui chơi, bể bơi. Không gian quán được ngăn thành khoảng 20 phòng nhỏ, lối đi giữa các phòng rất hẹp. Do tầng hầm nên hành lang rất tối, khó định vị lối thoát ra.

Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết những nhà hàng kinh doanh karaoke thuộc công trình tập trung đông người, phải bảo đảm lối thoát hiểm, thoát nạn theo tiêu chuẩn xây dựng. Việc kiểm tra thoát hiểm, thoát nạn này do Cảnh sát PCCC thực hiện.

Việc chuyển công trình là nhà ở liên kế theo thiết kế ban đầu thành nhà hàng, quán karaoke có dấu hiệu của hành vi sử dụng công trình sai công năng - một trong những điều cấm của Luật xây dựng - và có thể bị xử phạt, buộc phải trả lại công năng ban đầu của công trình.

Lực lượng PCCC nỗ lực dập tắt đám cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội                          - Ảnh: QUANG THẾ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Lực lượng PCCC nỗ lực dập tắt đám cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Phải có ít nhất hai lối thoát hiểm

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết những điểm kinh doanh karaoke phải có ít nhất hai lối thoát hiểm.

Toàn TP.HCM hiện có 415 điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người, trong đó có 150 điểm kinh doanh karaoke. Cảnh sát PCCC TP phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các lực lượng khác kiểm tra định kỳ về an toàn PCCC mỗi quý một lần, kiểm tra đột xuất, kiểm tra phối hợp với cơ quan chức năng khi gia hạn giấy phép hoạt động...

Hiện các điểm này còn mắc một số lỗi như phương tiện chữa cháy chưa đạt yêu cầu, chưa bảo đảm lối thoát nạn, tổ chức huấn luyện, tuyên truyền về PCCC chưa tốt, sử dụng nguồn lửa, nhiệt không an toàn...

Nhiều trường hợp Cảnh sát PCCC đã phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ban ngành kiểm tra, phát hiện vi phạm lập biên bản, xử phạt và khuyến cáo chủ kinh doanh nên ngừng hoạt động loại hình này vì không bảo đảm điều kiện về PCCC. Có vài trường hợp sau khi các cơ quan chức năng khuyến cáo thì chủ kinh doanh ngưng hoạt động.

Cảnh sát PCCC có chuyên môn thiết kế lối thoát hiểm

Trong tình hình hiện nay, nhiều nhà liên kế được cho thuê để cải tạo thành điểm kinh doanh, hoạt động tập trung đông người. Để tạo lối thoát hiểm thứ hai cho nhà liên kế, các chủ cơ sở nên có hồ sơ gửi cho Cảnh sát PCCC TP để đơn vị này tham mưu thiết kế.

Cơ quan này sẽ tùy theo thiết kế, địa thế ngôi nhà cụ thể mà hướng dẫn chủ nhà thiết kế cầu thang thoát hiểm, đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở lắp đặt hệ thống báo cháy, báo khói, chữa cháy tự động...

Lưu ý thoát hiểm trong những đám cháy

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, kỹ năng thoát hiểm có ý nghĩa sống còn đối với người bị kẹt trong đám cháy. Ông khuyên trước hết phải bình tĩnh và bằng mọi kỹ năng sống còn để thoát khỏi đám cháy càng sớm càng tốt.

Khói nhiều thì phải tìm khăn, khẩu trang, áo nhúng nước bịt mũi, bò thấp xuống sàn nhà, lần theo bức tường để chạy ra hướng cầu thang thoát hiểm, xuống tầng dưới hoặc ra bancông, nơi trống có thể nhìn xuống đường, nơi có người qua lại... để kêu cứu.

Tận dụng tất cả các cửa, đường ống dẫn nước, ống thoát nước hoặc cây cối mọc cạnh căn nhà để trèo xuống, cũng có thể chạy lên mái nhà, sân thượng, phá cửa thoát qua nhà bên cạnh. Nếu có thang dây tự cứu thì đu theo thang này xuống.

Lưu ý: nếu thấy khói ngoài cầu thang, hành lang, không nên chạy vô phòng kín vì như thế rất nguy hiểm, phải thoát ra ngoài càng sớm càng tốt.

D.N.HÀ - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp