Nguồn cung nhà giá thấp ở thị trường TP.HCM cũng như Hà Nội vô cùng khan hiếm - Ảnh: N.BÌNH
Ngày 19-3, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 công ty uy tín ngành bất động sản năm 2021, "hé lộ" nhiều thực tế của thị trường bất động sản Việt Nam.
Khảo sát của các chuyên gia Vietnam Report cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu khi nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình và trung bình khá rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp.
Số lượng nhà giá thấp (nhà dưới 2 tỉ) đã giảm mạnh trong năm 2020. Tại TP.HCM và Hà Nội, không có dự án nhà giá thấp nào đủ lớn ra mắt thị trường, những dự án trên dưới 1.000 sản phẩm không có, thậm chí được xem là "biến mất" với phân khúc thị trường này.
Trong khi đó, thị trường nhà siêu sang xuất hiện, có sự tăng giá trong thời gian vừa qua. Có những sản phẩm tăng giá rất nhiều, đặc biệt tại những nơi có vị trí đắc địa và những nơi có ít sản phẩm mới, chỉ với 10 - 15 căn.
Phân khúc duplex, penthouse… còn tăng giá và ở vị trí rất cao khi ra đời trong bối cảnh này. Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, nếu không có sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, các phân khúc nhà hạng sang này có thể sẽ nhộn nhịp hơn và khẳng định như một xu thế. Có những sản phẩm trước đây 150 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã lên đến 200 triệu/m2, thậm chí 300 triệu/m2.
Theo nhận định của chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, trong năm 2021 phân khúc bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp dù nhu cầu rất lớn nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà bỏ tiền vào vì biên lợi nhuận rất thấp.
Để phân khúc này phát triển, cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc khuyến khích các nhà đầu tư và ngân hàng đầu tư nhiều hơn nữa cho phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Phân khúc này hiện tại đang cần rất nhiều vốn, nhưng hệ thống tài chính của Việt Nam lại đổ tiền vào phân khúc này rất chậm. Chính vì thế, mức độ phát triển của phân khúc này tương đối thấp trong năm 2021.
Với một bức tranh phân mảng theo giai đoạn và theo phân khúc trong năm 2020, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản có sự phân hóa mạnh, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ và không có tài chính để duy trì hoạt động.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có đến 978 doanh nghiệp phải giải thể. Trong khi đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu, thay đổi chiến lược đầu tư, qua đó vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí lãi kỷ lục.
Kết thúc năm 2020, ngành bất động sản vẫn tăng trưởng 0,31% so với năm 2019 và đóng góp 4,42% GDP cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận