Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy Cường - vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - trước đề xuất người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được bổ sung trợ cấp thai sản trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản khi là lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Những người này phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Mức hưởng 2 triệu đồng/con mới sinh với lao động nữ khi sinh con hoặc chồng đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có vợ sinh con.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu cả cha và mẹ cùng đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ một trong hai được hưởng.
Ông Cường nêu rõ theo đề xuất thì ngân sách nhà nước sẽ chi trả phần trợ cấp thai sản trên. "Đây là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội và tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thu hút người lao động, nhất là đối tượng trẻ tuổi", ông Cường chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh hỗ trợ rất nhiều cho lao động tự do với thu nhập không ổn định.
Theo ông Cường, dự thảo không đề cập tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam vì khó cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tăng thêm mức đóng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn thì không khả thi.
"Hiện vợ sinh con thì lao động nam vẫn được nghỉ 5 - 14 ngày. Ngoài ra, theo các trường hợp khác vợ sinh mà gặp rủi ro, lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản như lao động nữ", ông Cường nói thêm.
Theo đánh giá của ban soạn thảo, Nhà nước cần khoảng 750 tỉ đồng phát sinh trợ cấp thai sản với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội mà sinh con trong giai đoạn 2024 - 2030, tương ứng 107 tỉ đồng/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận