Cụ Nguyễn Đình Tư vui vẻ tiết lộ "bí mật" mà nhiều người… bật ngửa: Mỗi ngày cụ vẫn đều đặn leo lên cầu thang 10 bận, và leo xuống cầu thang 10 bận!
Giữ sức khỏe để tốt cho mình, cho đời
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, kể trước Tết Giáp Thìn ông có đến thăm và tặng quà cụ Nguyễn Đình Tư tại nhà riêng trong một con hẻm nhỏ.
Ông bấm chuông nhưng cụ không nghe, hàng xóm gọi thì cụ mở cửa sổ ở tầng hai nhìn xuống.
Ông Ngân tưởng người nhà sẽ mở cửa nhưng chính cụ Tư là người mở cửa và dẫn khách lên tận lầu hai để trò chuyện.
Ông Ngân nói vui người cỡ 60 tuổi như ông đi cầu thang còn mệt nhưng cụ Tư 104 tuổi vẫn đi bình thường.
Cụ Tư tâm sự rằng làm người đã là hạnh phúc nên phải bảo vệ, tập luyện giữ sức khỏe sống vui, phục vụ Tổ quốc, đồng bào, góp phần đem lại lợi ích cho xã hội.
Một ngày cụ dành 45 phút tập động tác tay chân, hít thở. Cụ nói muốn đi bộ nhưng khu nhà cụ xe cộ nhiều sợ nguy hiểm nên cụ chọn… leo cầu thang như cách rèn luyện sức khỏe.
Ngày xưa, mỗi ngày cụ leo lên leo xuống hai tầng lầu 20 bận, giờ yếu hơn thì còn 10 bận.
"Đều đặn như thế nên tôi ngồi làm việc ngày 10 tiếng mà không đau lưng, đi bộ không mỏi gối. Đi đường bằng cứ một mình không cần ai dìu hết" - cụ Tư chia sẻ.
Về ăn uống, cụ tuân thủ ăn uống điều độ, nhai kỹ để bao tử tiêu hóa tốt.
Không để mình nghiện rượu, thuốc lá, cà phê. Về đời sống tinh thần, ông tiếp thu giáo lý đạo Phật "Từ, bi, hỉ, xả".
Cụ Tư bảo cụ nghĩ ai cũng có sai lầm nên không chấp nhặt, có gì gút mắc thì nói ra không để trong lòng, không buồn giận ai.
Thế nên cụ luôn giữ sự lạc quan, vui vẻ, sống không ích kỷ và biết quan tâm đến đồng bào, xã hội.
Cụ Tư và chuyện bị phát giác là con cai tổng
Nhiều độc giả tham dự buổi ra mắt sáng 24-2 cho biết tự truyện thú vị đến mức họ đọc một lèo không ngừng nghỉ.
Đó là câu chuyện của cậu bé ở vùng quê nghèo miền núi Thanh Chương (Nghệ An), Nguyễn Đình Tư sớm ý thức phải học hành thật giỏi để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Mà chuyện học của Nguyễn Đình Tư hết sức lận đận. Vì nghèo nên gián đoạn chuyện học mấy lần.
Cụ Tư kể hồi đó hiệu trưởng trường cụ thấy cụ học giỏi quá mà bỏ học thì uổng. Vì vậy, thầy vận động thầy cô trong trường góp tiền học phí cho cụ Tư học tiếp.
"Nhưng được thời gian có người méc tôi là con cai tổng. Vì vậy tôi bị mang tiếng là gian dối nên không ai góp tiền nữa.
Mọi người tưởng cai tổng là vua một vùng, nhưng cha tôi đâu được vậy, cũng nghèo khó, kham khổ như bất kỳ ai ở đó" - cụ Nguyễn Đình Tư nói.
Đường học hành, chữ nghĩa của cụ càng trắc trở khi có giai đoạn để mưu sinh cụ phải ra lề đường sửa xe kiếm tiền nuôi gia đình.
Cụ bày tỏ 2/3 cuộc đời là vất vả, thế nhưng, nhà nghiên cứu, biên khảo bình dân ấy vẫn không thôi niềm đam mê với chữ nghĩa, nghiên cứu.
Để đến hôm nay, sau hơn 80 năm cầm bút với hơn 60 đầu sách, trong đó có nhiều sách giá trị đạt giải thưởng quốc gia và thành phố, cụ Nguyễn Đình Tư khiến người ta nghiêng mình nể phục bởi tinh thần lạc quan, ham học, ham tìm hiểu, phấn đấu vượt qua khó khăn để đóng góp cho đời, cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận