Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 vừa khai mạc ngày 24-4 tại TP.HCM nhằm kết nối các nhà mua hàng trên thế giới có nhu cầu tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, số lượng gian hàng lần này vắng hơn mọi năm. Ban tổ chức kỳ vọng triển lãm thu hút hơn 8.000 nhà mua hàng trong nước và quốc tế từ hơn 150 quốc gia thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Úc, UAE, và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên trong ngày đầu mở cửa, số lượng nhà mua hàng trên toàn thế giới có nhu cầu tìm nguồn cung ứng các sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu từ Việt Nam và châu Á cũng hạn chế.
Điều đáng ghi nhận là các hoạt động giao thương vẫn diễn ra khá sôi nổi khi ghi nhận nhiều doanh nghiệp, tổ chức đem đến các công nghệ, giải pháp mới nhất để giới thiệu với các nhà mua hàng Việt Nam.
Bà Wing Leung - đại diện Hiệp hội Giày dép Hong Kong - cho biết tăng trưởng thương mại điện tử và các nền tảng bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam đã mở ra cơ hội phân phối mới cho các nhà sản xuất giày dép quốc tế, trong đó có Hong Kong.
Các doanh nghiệp xứ cảng thơm đang mong muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại cũng như đầu tư nhà máy để tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi cũng giới thiệu giải pháp ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế và sản xuất giày, như một phương thức sản xuất mới tiết giảm nhân công, nguyên liệu, hướng đến sản xuất xanh, bền vững", bà Wing Leung giải thích.
Theo ông Hu Wei - giám đốc điều hành Global Sources, điểm mới của triển lãm năm nay là cung cấp thêm dịch vụ trực tuyến bên cạnh đến trực tiếp (Online-to-Offline), xây dựng nền tảng để nhà mua hàng quốc tế kết nối với các nhà cung cấp đã được xác thực, khám phá các sản phẩm mới và thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh có giá trị.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - chia sẻ rằng với hình thức này, các doanh nghiệp có thể kết nối trực tuyến với người mua toàn cầu, đồng thời thông qua triển lãm doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tìm hiểu các xu hướng, công nghệ mới.
Theo bà Mai, sau quý 1-2024 khá khởi sắc, ngành dệt may Việt Nam đang hướng đến mức hồi phục tốt trong năm 2024. Và trong xu hướng đó, các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm những công nghệ xanh, giải pháp xanh để chuyển đổi, tối ưu hóa năng lực sản xuất.
400 nhà cung cấp từ Việt Nam và châu Á
Thông tin từ ông Hu Wei - giám đốc điều hành Global Sources, triển lãm quy tụ khoảng 400 nhà cung cấp từ Việt Nam và châu Á, trong đó có 70% nhà cung cấp Việt Nam và 30% còn lại đại diện cho các thị trường trọng điểm bao gồm Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).
Danh mục sản phẩm trưng bày lên đến hơn 20.000 sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu thuộc các ngành hàng nhà cửa và nội thất, quà tặng và thủ công mỹ nghệ, thời trang và phụ kiện, dệt may và phụ liệu thời trang.
Với tiêu chí tiên phong về nguồn cung ứng các sản phẩm bền vững, triển lãm cũng ghi nhận sự có mặt của doanh nghiệp sở hữu những chứng nhận quốc tế như ISO và FSC.
Các thương hiệu tiêu biểu cho các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường và quy trình sản xuất bền vững có thể kể đến Công ty may mặc Cortex, Công ty mỹ nghệ Viễn Đông, Công ty r-pac Việt Nam, Công ty HC Packaging Việt Nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận