Việt Nam đang là thị trường cung ứng quan trọng
Tại Diễn đàn xuất khẩu năm 2024 do Bộ Công Thương và UBND TP.HCM tổ chức ngày 6-6, chia sẻ về xu hướng mua hàng của doanh nghiệp, ông Benoit Fournier - CEO của Decathlon Việt Nam - cho biết thị trường Liên minh châu Âu đang dẫn đầu chuyển đổi sản xuất bền vững.
Những nỗ lực này đi kèm các quy định, tiêu chuẩn mới nhằm giảm tác động môi trường của các sản phẩm và đảm bảo thực hành lao động một cách công bằng. Điều này cũng đồng nghĩa các nhà xuất khẩu Việt Nam như Decalthlon sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
"Năm ngoái chúng tôi đã đạt được kết quả tuyệt vời là giảm tác động khí CO2 còn 34% và có thể theo dõi tất cả quá trình sản phẩm hoàn thiện. Đây là điều kiện để hiểu rõ chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến sản phẩm. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho việc tuân thủ, chứng minh các tuân thủ và đó cũng chính là chìa khóa thành công", ông Benoit Fournier chia sẻ kinh nghiệm.
Theo các nhà mua hàng quốc tế, Việt Nam đang là thị trường cung ứng quan trọng và vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao trong tương lai. Tuy vậy, Việt Nam cần hiểu rõ thị trường khách hàng để bán thành công.
Với thị trường Mỹ, các nhà thu mua quốc gia tập trung nhiều hơn vào tìm kiếm, xây dựng mạng lưới nhà cung cấp đáng tin cậy và linh hoạt nhất. Như với nhà mua hàng Walmart, ông Aly Ansari - tổng giám đốc Walmart Việt Nam - cho biết họ ưu tiên tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhất tại các thị trường trọng điểm.
"Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam", ông Aly Ansari nói.
Ông Akiyama Naoki, giám đốc vận hành và giám đốc tài chính của Uniqlo, cũng tiết lộ nhiều sản phẩm trọng tâm, đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, HEATTECH, Fleece đều được sản xuất tại Việt Nam.
Tính đến năm 2024, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 60% sản phẩm của hãng tại các cửa hàng trong nước và nhà bán lẻ Nhật Bản đang cố gắng tăng tỉ lệ này lên.
Xây dựng thương hiệu Việt ra nước ngoài
Một vấn đề cần quan tâm là quảng bá thương hiệu hàng "Made in Vietnam". Ông Mirash Basheer - giám đốc Công ty May Exports Việt Nam, thuộc Lulu Group International - cho biết sau chất lượng, thì hàng Việt cần phải được quảng bá trong môi trường bán lẻ cao cấp nhiều hơn nữa, nhờ đó dễ thu hút tệp khách hàng trong phân khúc này.
"Thông qua các sáng kiến hợp tác và chiến dịch quảng bá, như Lễ hội hàng Việt Nam, được chúng tôi tổ chức hằng năm cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia khu vực vùng Vịnh, chúng ta có thể giúp người tiêu dùng trong khu vực nhận biết, hiểu rõ hơn về sản phẩm của Việt Nam", ông Mirash Basheer kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn. Điều này cũng trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỉ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
"Sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ", bà Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ hội cũng mở ra cho các địa phương thông qua các chương trình đi tham quan, thực tế tại các địa phương.
Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) từ ngày 6 đến 8-6.
Riêng triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 - Viet Nam International Sourcing Expo 2024 có quy mô 10.000m2 dành cho doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, sẽ được triển khai cùng thời gian tại SECC (Q.7, TP.HCM).
Sự kiện tiếp tục ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của gần 300 kênh phân phối và nhà nhập khẩu uy tín từ các nước trên thế giới. Trong số đó, có thể kể đến các tập đoàn phân phối quốc tế lớn như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc), IKEA (Thụy điển), LuLu (UAE)...
Diễn đàn xuất khẩu, cùng các diễn đàn, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Vietnam International Sourcing Expo 2024 là chuỗi sự kiện được Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM đồng chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã đề nghị các nhà mua hàng quốc tế có những đánh giá thẳng thắn về thực trạng xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Từ đó, đưa ra những khuyến nghị thiết thực, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận