Toàn cảnh nhà mồ – Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia được xây dựng lại vào năm 2013 đang chứa 1.159 bộ hài cốt - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dù chưa có quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng, bà con có thân nhân bị thảm sát đang rất hoang mang.
Dân chưa đủ thông tin nên bức xúc?
Anh Lê Văn Đạt - ngụ khóm Thanh Lương, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang - là người đầu tiên gửi đơn lên Ban đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là Ban đại diện Đạo hội) phản đối việc hỏa táng hay thổ táng.
Anh Đạt cho biết trong nhà mồ có 10 hài cốt của ông, bà, cô, dì của anh nên anh không đồng ý với phương án mà Ban đại diện Đạo hội bàn bạc. "Tôi đề nghị cho biết lý do nào để đưa đến việc làm trên thì họ nói do nhà mồ sai thiết kế nên xương cốt ẩm mốc và có nước ứ đọng. Tôi nói nếu sai thì sửa lại chứ sao lại bàn hỏa táng hay thổ táng nhưng không ai trả lời được lý do hợp lý" - anh Đạt nói.
Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Tám (86 tuổi, bà ngoại anh Đạt) cho rằng lúc xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình bà có 10 người bị Pol Pot giết hại dã man, chồng bà may mắn sống sót.
"Tôi gom xương ở trong chùa và sắp xếp lại rất cực khổ, mất 3-4 ngày, rồi dùng nước tro rửa sạch chất vào một chỗ nên sau này được Nhà nước công nhận di tích. Người đã chết rồi chỉ còn bộ xương trong nhà mồ để con cháu đi xa về được thăm viếng. Giá nào chúng tôi cũng không đồng ý, thà cứ để nguyên vậy" - bà Tám nghẹn ngào nói.
Còn bà Nguyễn Thị Yến (70 tuổi, có 12 người thân bị giết trong trận thảm sát năm 1978) nói: "Nếu mất đống xương này làm sao con cháu chúng tôi biết được ngày xưa ông bà chúng từng bị tàn sát dã man như vậy".
Một lãnh đạo thị trấn Ba Chúc cho biết đến thời điểm này, toàn thị trấn có trên 16.000 dân nhưng có đến 95% theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. "Chưa bao giờ thấy nội bộ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa mâu thuẫn nghiêm trọng như hiện nay. Ông gánh trưởng nào ký tên vào biên bản họp thống nhất hỏa táng hay thổ táng đều bị dân chửi rất nhiều" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trác - trưởng đại diện Trung ương Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa - cho biết do thấy báo chí đưa tin việc nhà mồ Ba Chúc xây mới lại nhưng còn nhiều khuyết điểm như nước ứ đọng, cách sắp xếp xương cốt chưa hợp lý nên đã họp bàn với các gánh trưởng sửa chữa với 3 phương án: hỏa táng, thổ táng hay ý kiến khác.
Kết quả có 21 ý kiến đồng ý thổ táng, 2 ý kiến đề nghị hỏa táng và 1 ý kiến đề nghị giữ nguyên. "Đây chỉ mới là các phiên họp nội bộ của đạo. Có lẽ nhiều người chưa nghe đầy đủ thông tin nên bức xúc. Bà con cũng bức xúc việc nhà mồ giao về chính quyền quản lý nên sắp tới chắc chúng tôi sẽ quản lý nhà mồ này" - ông Trác nói.
Khi Tuổi Trẻ hỏi nếu sau này ra họp dân bà con không đồng ý thì sao, ông Trác nói: "Đây là chuyện quan trọng. Nếu bà con không đồng ý sẽ không làm".
Bảo dưỡng nhà mồ trước
Ngày 4-5, ông Cao Quang Liêm - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết huyện chưa có chỉ đạo gì và cũng chưa có chủ trương làm gì với nhà mồ Ba Chúc.
Còn ông Nguyễn Khánh Hiệp - giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - cho hay nhà mồ Ba Chúc là khu di tích lịch sử cấp quốc gia và sở đã giao cho UBND huyện Tri Tôn quản lý. Vừa rồi, chính quyền địa phương muốn điều chỉnh, sửa sang và thay đổi phương án trưng bày nhà mồ.
"Thật ra địa phương làm cũng đúng. Vì họ tham khảo từng nhóm đối tượng. Đầu tiên họ tham khảo tôn giáo rồi sau đó lấy ý kiến người dân. Đến thời điểm này lãnh đạo tỉnh và ngành cũng chưa có quyết định gì hết. Còn địa phương mới tham khảo thôi" - ông Hiệp nói.
Đến thời điểm này chưa có quyết định nào cụ thể về nhà mồ Ba Chúc. Trước mắt sẽ khảo sát để bảo dưỡng nhà mồ định kỳ 5 năm/lần nên bà con cứ yên tâm.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp (giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang)
Nói về việc này, TS Nguyễn Hoàng Sa - giảng viên Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, chuyên về tôn giáo và triết học - cho rằng nhà mồ Ba Chúc lưu giữ hài cốt đến thời điểm này đã hơn 40 năm là quá lâu. Bây giờ các xương đã từ từ hư hỏng thì chính quyền nên họp dân xin ý kiến nhân dân. Phải nói thẳng cho bà con biết lưu giữ tiếp tục sẽ hư hỏng. Bây giờ hài cốt như vậy không thể biết của ai mà trả.
"Theo tôi, không nên để xương mục rữa ra thì hôi thối lắm. Do vậy, nên biến nhà mồ Ba Chúc thành mồ tập thể chôn luôn hoặc biến nhà mồ thành nhà trưng bày bằng cách chụp các hình ảnh nhà mồ hiện tại rồi tuyên truyền, vận động và xin ý kiến nhân dân hỏa táng" - TS Nguyễn Hoàng Sa nói.
Ngày 6-5, ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết sở đã có kế hoạch bảo dưỡng đối với nhà mồ Ba Chúc định kỳ 5 năm/lần từ nguồn vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Trong tuần sau, sở sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tri Tôn về phương án sửa chữa nhà mồ.
"Sau khi làm việc với huyện Tri Tôn xong thì sở và địa phương mới thống nhất phương án chọn giải pháp như thế nào. Cũng có thể sửa, cũng có thể không. Còn đối với hài cốt thì có thể như thế này cũng có thể khác" - ông Hiệp cho biết.
Từ ngày 18-4 đến 30-4-1978, chỉ trong 12 ngày đêm, tập đoàn diệt chủng Pol Pot đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Sau đó, chính quyền và nhân dân Tri Tôn đã xây dựng nhà mồ Ba Chúc, lưu giữ 1.159 bộ hài cốt, trở thành một minh chứng cho tội ác của bọn Pol Pot gây ra cho người dân Việt Nam. Năm 1980, nhà mồ Ba Chúc được công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia, bao gồm ba điểm tiêu biểu: nhà mồ, chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai.
Năm 2013, UBND tỉnh An Giang cho đầu tư lại khu nhà mồ Ba Chúc là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, Phi Lai.
Điểm nhấn công trình nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận