Kỳ 1:
Phóng to |
Đầu tư chủ yếu bằng vốn vay, hoạt động không hiệu quả, Nhà máy ximăng Đồng Bành (Lạng Sơn) phải cầu cứu Nhà nước trả nợ thay - Ảnh: VĂN TOÀN |
Cuối tháng 5-2012 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ tiền vay từ Ngân hàng Natixis (Pháp) đầu tư dự án Nhà máy ximăng Hạ Long, với số tiền lên tới 437 tỉ đồng.
Vung tay quá trán do được... bảo lãnh
Theo Bộ Xây dựng, dự án ximăng Hạ Long do Công ty CP Ximăng Hạ Long - một thành viên của Tập đoàn Sông Đà - làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 6.500 tỉ đồng, đã đi vào sản xuất từ đầu năm 2010. Tuy nhiên, do nợ vay để đầu tư, sản xuất và trả nợ vay của công ty rất lớn, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2011 thua lỗ hơn 581 tỉ đồng và năm 2012 lỗ “kế hoạch” gần 496 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo kế hoạch trả nợ năm 2012, Công ty CP Ximăng Hạ Long phải trả các khoản vay nước ngoài do Bộ Tài chính bảo lãnh, gồm khoảng 437 tỉ đồng cho Ngân hàng Natixis và hơn 28 tỉ đồng cho Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu. Ngoài ximăng Hạ Long, một dự án khác là ximăng Đồng Bành (Lạng Sơn) cũng được Bộ Xây dựng gửi văn bản “kêu cứu” với Bộ Tài chính.
Trước đó, vào tháng 3-2012, trong văn bản gửi về các dự án vay nước ngoài do Bộ Xây dựng quản lý và có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết có tới 11 dự án ximăng được Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài với tổng số tiền lên tới gần 300 triệu USD và 445 triệu euro (tương đương 17.000 tỉ đồng). Đặc biệt, trong số 11 dự án này có sáu dự án ximăng thuộc Tổng công ty Ximăng VN (Vicem).
Bỏ nợ chạy lấy người...
Theo một cán bộ có thẩm quyền của Vicem, việc Vicem “bị dính” trả nợ cho một số dự án ximăng không phải do Vicem làm chủ đầu tư, mà do một số tỉnh, thành phố đầu tư bằng nguồn vốn vay, sau một thời gian hoạt động không hiệu quả bèn cầu cứu với Chính phủ. Ví dụ điển hình nhất là dự án của Nhà máy ximăng Hoàng Mai (Nghệ An) và Tam Điệp (Ninh Bình)... đã được Chính phủ “điều động” về Vicem xử lý.
“Khi về” với Vicem, lúc này Vicem đang cổ phần hóa một số công ty thành viên, nên đã dùng hơn 1.000 tỉ đồng “để cứu” Hoàng Mai. Cũng theo vị này, vào thời điểm đầu tư, dự án này chủ yếu dùng nguồn vốn đi vay, nên đến khi rơi vào tình cảnh không trả được nợ thì tỉnh Nghệ An mới mượn Bộ Tài chính để trả nợ hộ.
“Chính vì vậy mới có chuyện Hoàng Mai nằm trong danh sách của Bộ Tài chính, dù sau đó Hoàng Mai đã hoàn lại một số khoản vay và thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ” - ông này nói. Tương tự là Nhà máy ximăng Tam Điệp. Theo vị này, hiện Vicem đã “rót” gần 1.000 tỉ đồng cho Tam Điệp, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn do khoản nợ còn phải trả dự kiến đến năm 2016 mới chấm dứt.
Riêng năm dự án ximăng thuộc các công ty TNHH một thành viên cũng thuộc diện được Chính phủ bảo lãnh, theo Bộ Xây dựng, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về tài chính kéo dài, không tự cân đối đủ dòng tiền trả nợ vay và duy trì sản xuất, có thể dẫn đến phá sản nếu không có phương án tái cấu trúc doanh nghiệp. Đáng ngại là nhiều nhà máy trước triển khai rầm rộ nhưng đến nay vẫn... “còn nợ nhà thầu xây dựng, như dự án nhà máy ximăng Đồng Bành, Sông Thao, Hạ Long”.
Thêm nhiều dự án ximăng được triển khai
Mặc dù tình trạng cung vượt cầu ximăng, phải xuất khẩu dù gần như không có hiệu quả kinh tế nhưng theo quy hoạch, sắp tới vẫn có 15 dự án làm nhà máy ximăng tiếp tục được triển khai, mà hầu hết vẫn là các dự án ximăng công suất rất thấp, từ 0,35-2 triệu tấn/năm. Theo một số chuyên gia, các nhà máy ximăng công suất thấp thường tiêu hao nhiên liệu lớn, gây ô nhiễm nặng và hiệu quả thấp, nhưng vốn đầu tư ít nên vẫn được làm “ào ào”.
Ông Trần Văn Huynh - chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng - bày tỏ lo ngại các dự án ximăng công suất thấp của VN sẽ lại sử dụng công nghệ Trung Quốc, có thể gây ô nhiễm và hiệu quả thấp. Theo ông Huynh, hiệp hội sẽ có văn bản chính thức đề nghị dừng 15 dự án ximăng mới nhằm tránh mất cân đối cung cầu, đồng thời ngăn chặn những công nghệ thải của Trung Quốc lọt vào VN. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhiều khả năng các dự án này vẫn sẽ được thực hiện vì đã được bổ sung vào quy hoạch, dù hiện tại đang nằm im vì khó khăn kinh tế...
Theo ông Huynh, để phát triển công nghiệp ximăng VN, cần khuyến khích làm các nhà máy công suất lớn, hiện đại bởi giá than, điện rồi sẽ tăng, các nhà máy công nghệ cũ vừa tốn chi phí xử lý môi trường, vừa có khả năng không cạnh tranh nổi khi giá đầu vào tăng. Bên cạnh đó, nên tính toán mở rộng công suất các nhà máy đang hiệu quả hơn là đầu tư nhà máy mới vì mở rộng công suất rẻ hơn, chi phí chỉ khoảng 1/3 việc làm nhà máy mới.
Đến năm 2018 mới trả hết nợ Chỉ tính riêng trong hệ thống doanh nghiệp của Vicem, hầu hết các dự án ximăng dù đã đưa vào vận hành nhưng đến nay vẫn chưa dứt nợ. Nguồn tin từ Vicem cho biết trong năm 2011, Vicem đã phải trả nợ khoảng 4.100 tỉ đồng và dự kiến năm 2012 con số phải trả lên tới 4.900 tỉ đồng. Tùy theo từng năm, số tiền phải trả của Vicem cho các dự án sẽ được cân đối lại, nhưng muốn hết nợ may ra đến năm 2018 mới xong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận