Nhà máy đóng lọ vắc xin COVID-19 của Aspen tại Nam Phi tháng 10-2021 - Ảnh: REUTERS
"Nếu chúng tôi không nhận được đơn hàng nào, không có lý do gì để giữ lại các dây chuyền sản xuất vắc xin hiện có", ông Stavros Nicolaou - một giám đốc điều hành của Aspen - than thở với Hãng tin Reuters ngày 2-5.
Hãng dược có trụ sở tại Nam Phi này hồi tháng 11 năm ngoái đã đàm phán thành công với Johnson&Johnson để đóng lọ và bán vắc xin COVID-19 cho toàn thị trường châu Phi. Cơ sở này từng được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt tiêm chủng ở châu Phi.
Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, vắc xin mang thương hiệu Aspenovax không nhận được đơn đặt hàng nào tại châu Phi, bất chấp thực tế chỉ có 1/6 người lớn của lục địa này đã tiêm chủng đủ liều.
Mục tiêu của Liên minh châu Phi là 60% vắc xin được sử dụng ở châu Phi sẽ được sản xuất tại chính châu lục này vào năm 2040. Với mục tiêu đó, một số nhà máy vắc xin như của Aspen đã và đang được thành lập.
"Nhưng nếu Aspen còn không sản xuất được thì làm gì có cơ hội cho bất kỳ sáng kiến nào khác", ông Nicolaou khẳng định.
Theo Hãng tin Reuters, một trong những lý do khiến nhà máy của Aspen phải "đắp chiếu" là do khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản và phân phối vắc xin ở châu Phi.
Nhà máy này ra đời trong bối cảnh châu Phi không được cung cấp đầy đủ và nhanh chóng vắc xin COVID-19 do nhu cầu lớn từ phương Tây. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động, thực tế đã thay đổi nhanh chóng theo hướng các nước hoặc dư thừa hoặc không muốn nhận thêm vắc xin.
Tổ chức Y tế thế giới và cơ chế phân phối vắc xin COVAX từng nêu thực trạng châu Phi từ chối nhận thêm vắc xin COVID-19 do không có đủ tủ đông lạnh, việc tiếp cận các điểm tiêm chủng và đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Một lý do khác là hiện nay châu Phi đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nước hơn so với giai đoạn đầu dịch bùng phát. Các nước này có thể sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính trên để mua vắc xin từ châu Âu hay Mỹ, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trước mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận