07/04/2022 08:31 GMT+7

Nhà máy bột giấy lớn nhất nước VNT19 xả thải ra biển

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Theo chủ đầu tư, nhà máy bột giấy VNT19 sử dụng thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến; cam kết đảm bảo an toàn, nhưng bà con địa phương chưa thể an lòng.

Nhà máy bột giấy lớn nhất nước VNT19 xả thải ra biển - Ảnh 1.

Nhà máy bột giấy VNT19 đang xây dựng - Ảnh: TR.MAI

Người dân Quảng Ngãi đang lo lắng việc xả nước thải từ nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam mang tên VNT19 (Khu kinh tế Dung Quất) ra vịnh Việt Thanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế của dân địa phương.

Sáng 6-4, tại UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án nhà máy bột giấy này. Chủ đầu tư nhà máy cam kết đảm bảo an toàn, nhưng người địa phương chưa thể an lòng.

Chủ đầu tư cam kết an toàn

Theo chủ đầu tư, nhà máy bột giấy VNT19 sử dụng thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến. 

Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư mới 100%, do AQUAFLOW (AQF, Phần Lan) thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định. 

Giải pháp kỹ thuật này đã hạn chế nguồn phát nước thải, dịch rửa giai đoạn sau được làm nước rửa cho giai đoạn trước trong một vòng tuần hoàn khép kín để hạn chế tác động đến môi trường...

Các nguồn nước thải của nhà máy được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 50.000m3/ngày đêm. Các thông số nước thải sau xử lý tốt hơn nhiều so với tiêu chuẩn thải cho phép. 

Thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; đường ống đảm bảo yêu cầu về độ nghiêng và chịu lực; các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt; có hành lang an toàn cho tuyến ống thoát nước thải (có hàng rào bảo vệ công trình); đảm bảo khắc phục sự cố trong mọi trường hợp; hướng tuyến đường ống xả thải thực hiện đúng tinh thần của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Vị trí xả thải được chọn cách bờ 1.000m tại vịnh Việt Thanh. Với công nghệ và 3 hồ chứa (hồ chứa nước xử lý, hồ sinh học, hồ sự cố) cùng hệ thống quan trắc, chủ đầu tư tự tin rằng sẽ xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường và kiểm soát được sự cố (nếu có).

Người dân lo ảnh hưởng môi sinh

Dù chủ đầu tư khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, tuy nhiên người dân lo lắng ảnh hưởng môi trường và sinh kế. 

Ông Nguyễn Văn Hai, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Hải, khẳng định "đây là chất thải độc" và đề nghị quy trình vận hành xử lý nước thải có hồ nuôi cá kiểm chứng và người dân được liên tục giám sát. 

"Tôi không rõ thông số kỹ thuật, nhưng tôi xin hỏi màu nước thải ra có làm đổi màu nước ven bờ hay không?", ông Hai đặt vấn đề.

Nhiều ý kiến cho rằng khu vực xả thải tương ứng với vùng đánh bắt hải sản ven bờ của người dân làng chài, nếu có sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm. 

Hồ sinh học chứa 25.000m3 chưa đủ lớn để lưu nước; đường ống xả thải liệu có gây vướng làm mất ngư cụ của người dân? Cần đặt hồ sinh học, hồ kiểm chứng và hệ thống quan trắc thuận tiện nhất cho tổ giám sát cộng đồng và người dân có thể giám sát bất cứ lúc nào...

Ông Thái Văn Khiêm, bí thư chi bộ làng chài Lệ Thủy, nói: "Dòng nước thải trực tiếp ra biển. Theo kinh nghiệm của người dân, nước biển không phải chảy ra khơi mà chảy vào bãi biển Lệ Thủy (nơi người dân tắm nhiều) nên cần kéo đường ống ra xa 1,5km, tăng độ sâu để hòa tan nước xả. Hồ dự phòng sự cố cần mở rộng, đề phòng bất trắc. Hồ kiểm chứng nên đặt ở ngoài nhà máy để bà con dễ giám sát".

Nhà phản biện môi trường Trần Văn Phong cho rằng: "Theo công suất xử lý của nhà máy bột giấy VNT19 là 50.000m3, có thể đây là tính toán tối đa. Tuy nhiên, diện tích hồ chỉ 25.000m3, như vậy nước thải luôn chảy tràn vào hệ thống đường ống. 

Và công suất chỉ có 25.000m3 thôi. Ban quản lý dự án nên công khai số liệu quan trắc ở mương quan trắc (sau hồ kiểm chứng), lúc đó là số liệu chính xác về độ an toàn của nước thải. Và phải công khai toàn dân để người dân giám sát".

Ông Lê Văn Dũng, phó trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho rằng bảng mô tả thiết bị máy móc của VNT19 không nêu cụ thể thiết bị có mới 100% hay không. Chỉ với một hồ chứa nước thải, khi xảy ra sự cố liệu có đảm bảo? Và tại sao đổi tuyến xả thải từ sông Trà Bồng (ban đầu) chuyển sang xả thẳng ra biển tại vịnh Việt Thanh?

"Phải kiểm soát máy móc xử lý nước thải đúng như cam kết, thuê chuyên gia vận hành trong giai đoạn vận hành ban đầu. Cuộc phản biện hôm nay là sự quan tâm của người dân đối với vấn đề xử lý nước thải đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Nhà máy bột giấy VNT19 được khởi công xây dựng năm 2015 trên diện tích 117ha ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng. Hiện chủ đầu tư đã điều chỉnh kế hoạch đưa vào sản xuất vào cuối năm 2023, mỗi năm sản xuất 350.000 tấn bột giấy (lớn nhất Việt Nam). 

Dự án này được Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào danh sách có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và từng bị người dân vùng dự án, chuyên gia môi trường phản ứng.

Cố tình xả thải không qua xử lý sẽ bị tước giấy phép môi trường? Cố tình xả thải không qua xử lý sẽ bị tước giấy phép môi trường?

TTO - Ngày 7-11, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đang chủ trì, biên soạn nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các vi phạm xả thải không qua xử lý.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp