Ông Herr với đôi chân giả do chính ông chế tạo cho mình - Ảnh: BEASTIFY
8 tuổi, Hugh Herr, cậu con trai út trong một gia đình có tới 5 anh em ở thành phố Lancaster, bang Pennsylvania (Mỹ), đã là một tay leo núi cự phách. Ở độ tuổi ấy, cậu bé đã đặt chân lên điểm cao 3.544m của núi Temple, Canada.
Leo núi không cần dây thừng
Một trong những yếu tố lớn tác động tới đam mê này bắt nguồn từ người cha "mê xê dịch" của Hugh Herr - ông John Herr. Ông John thường lái xe chở các con trai đi tìm kiếm những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và những ngọn núi lớn nhất và cho phép các cậu con trai của mình tự leo lên một số ngọn núi ấy. Chính bởi thế mà ở tuổi lên 8, cậu bé Hugh Herr đã có thành tựu đầu tiên tại núi Temple.
Bước vào tuổi teen, Herr bắt đầu leo núi không dùng dây thừng và không ít lần những người leo cùng ái ngại thay khi thấy hai bàn tay tứa máu của cậu. Song, bất chấp điều đó, Herr đã chinh phục vùng hiểm trở nhất của rặng núi Shawangunk Ridge ở phía nam Albany ngay trong lần thử sức đầu tiên, một điều mà chưa người trưởng thành nào trước đó làm được.
Năm 17 tuổi, Hugh Herr được công nhận là một trong những vận động viên leo núi xuất sắc nhất của Mỹ. Không ngạc nhiên khi Herr trở nên nổi tiếng trong giới leo núi và có rất nhiều người hâm mộ.
Chế tạo đôi chân giả cho mình
Thảm kịch ập tới vào tháng 1-1982. Lần ấy, trong khi leo núi ở bang New Hampshire, Herr và người bạn thân là nhà leo núi Jeff Batzer đã gặp phải bão tuyết và mất phương hướng, bị kẹt lại tại thung lũng Great Gulf suốt ba đêm giữa nhiệt độ -29 độ C và khi được cứu, cả hai bị bỏng lạnh nghiêm trọng.
Hậu quả là Herr buộc phải cắt bỏ hai chân từ phần dưới đầu gối trở xuống, còn người đồng hành của anh bị mất phần dưới chân trái cùng toàn bộ ngón bên bàn chân phải và các ngón bàn tay phải.
Sau chưa đầy một năm trải qua phẫu thuật và hồi phục, Herr lại bắt tay làm một việc mà các bác sĩ đã nói với anh là không thể: leo núi trở lại.
Sử dụng đôi chân giả do chính mình thiết kế với phần bàn chân có những ngón chắc chắn có thể bám chặt vào những gờ đá chỉ rộng bằng đồng xu và sử dụng bàn chân có móc nhọn bằng titanium, anh lại có thể leo lên những vách núi phủ băng dựng đứng.
Herr chế tạo đôi chân giả này cho mình trong thời gian học về các thiết bị y sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Khi đó anh bắt đầu nghiên cứu phát triển loại chân giả công nghệ tiến bộ và các thiết bị hỗ trợ đi kèm, những thứ có thể bắt chước chức năng hoạt động của chân người.
Với việc sử dụng đôi bàn chân giả, Herr đã chinh phục được những cấp độ leo núi thậm chí còn cao hơn so với lúc trước khi bị tai nạn. Anh trở thành người đầu tiên bị phẫu thuật cắt chân vẫn có thể tham gia môn thể thao vốn chỉ dành cho những người thân thể toàn vẹn có thể lực và kỹ năng xuất sắc.
Tiếp đó, bằng ý chí và nghị lực, Herr đã lấy được bằng vật lý tại Trường ĐH Millersville, sau đó là bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật cơ khí tại MIT và bằng tiến sĩ ngành lý sinh học tại ĐH Harvard.
Hiện tại ông Herr đang là giáo sư tại bộ phận MIT Media Lab, phụ trách một nhóm nghiên cứu về cơ điện tử (biomechatronics) và cũng là người đồng phụ trách Trung tâm kỹ sinh siêu cấp. Với trung tâm này, ông và các cộng sự đang tập trung phát triển các hệ thống robot có thể đeo theo người với chức năng tăng cường những năng lực thể chất cho người khiếm khuyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận