07/04/2023 08:24 GMT+7

Nhà lãnh đạo Đài Loan gặp chủ tịch Hạ viện Mỹ: 'Đọc' thông điệp từ uyển ngữ và hàm ý

Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hành pháp hòn đảo Đài Loan và nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp (Quốc hội) Mỹ tại một địa điểm ở bờ tây cách xa thủ đô Washington mang nhiều ý nghĩa chính trị không chỉ với mối quan hệ song phương Mỹ - Đài...

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thung lũng Simi, California, Mỹ ngày 6-4 - Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thung lũng Simi, California, Mỹ ngày 6-4 - Ảnh: Reuters

Sau khoảng nửa năm đón tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8-2022 tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn lại gặp Chủ tịch đương nhiệm của Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thung lũng Simi, cách Los Angeles khoảng 55km (34 dặm) vào ngày 5-4.

Những thông điệp hàm ý

Thứ nhất, việc chọn thư viện được đặt theo tên cố tổng thống Mỹ mang tính biểu tượng chính trị, vì Ronald Reagan là vị tổng thống Mỹ đưa ra "6 cam kết an ninh" dành cho Đài Loan vào năm 1982. 

Trong đó nêu rõ nước Mỹ không đặt ra ngày chấm dứt các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, và cũng không cần phải tham khảo trước ý kiến của Bắc Kinh về việc bán vũ khí.

Tuy nhiên, việc chọn một thư viện thay vì một địa điểm công quyền làm nơi gặp mặt là chủ ý của phía Mỹ nhằm tránh các chỉ trích từ Trung Quốc.

Thành phố Los Angeles không phải trung tâm chính trị của Mỹ, ngoại trừ chi tiết đáng chú ý đây là nơi ông Ronald Reagan từng sinh sống.

Thứ hai, lịch trình của bà Thái được hoạch định kỹ càng để tránh đẩy căng thẳng lên cao. Bà Thái "ghé" (stop over) là từ truyền thông Mỹ dùng thay vì "viếng thăm" trên đường quay về Đài Loan sau chuyến thăm hai nước đồng minh là Guatemala và Belize. Đây là một uyển ngữ khiến việc gặp gỡ của bà Thái với các chính trị gia Mỹ chỉ giống như chuyến thăm bạn cũ mà thôi.

Thứ ba, khoảng thời gian quá cảnh tại Mỹ là cơ hội để bà Thái chứng kiến sự tái cam kết ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ với Đài Loan khi bà gặp gỡ các chính trị gia quan trọng thuộc lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ trong chuyến ghé thăm cả bờ đông lẫn bờ tây.

Trước khi gặp ông McCarthy tại California, bà Thái đã gặp lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại Hạ viện - ông Hakeem Jeffries - tại TP New York. Ông Jeffries tuyên bố: "Chúng tôi đã có cuộc chuyện trò rất hữu ích về lợi ích kinh tế và an ninh chung giữa Mỹ và Đài Loan. Chúng tôi cũng đã thảo luận về cam kết chung đối với dân chủ và tự do".

Cũng cùng quan điểm như nhà lãnh đạo Dân chủ, ông McCarthy, chủ tịch Hạ viện, nhấn mạnh: "Tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách để người dân Mỹ và Đài Loan hợp tác cùng nhau nhằm thúc đẩy tự do kinh tế, dân chủ, hòa bình và ổn định".

Kể từ khi đắc cử trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016, bà Thái đã cố gắng kiến tạo Đài Loan như một xã hội gần gũi với các giá trị dân chủ, tự do, khoan dung sắc tộc của phương Tây, nhằm để tách biệt bản sắc Đài Loan ra khỏi những gắn bó truyền thống với Trung Hoa ở bên kia eo biển Đài Loan.

Chính vì vậy, lá bài mà bà Thái sử dụng để thúc đẩy sự ủng hộ từ Mỹ và các quốc gia phương Tây chính là lợi ích chung về việc giữ vững nền tự do, dân chủ Đài Loan như một biểu tượng chống lại sức ép từ Trung Quốc.

Vẫn là "sự mơ hồ chiến lược"

Tuy nhiên, không phải ai ở Đài Loan cũng nghĩ như bà Thái. Nhà lãnh đạo tiền nhiệm của bà, ông Mã Anh Cửu, vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 12 ngày tới nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc.

Đây cũng là chuyến thăm lịch sử khi lần đầu tiên một cựu lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm hay đã nghỉ hưu đến Trung Quốc đại lục kể từ năm 1949. Khi ở TP Nam Kinh, ông Mã, người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, tuyên bố "người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc".

Bà Thái cũng đã có chuyến ghé thăm lịch sử khi ông McCarthy trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất gặp một nhà lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ kể từ năm 1979, năm mà Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mỹ thừa nhận chính sách Một Trung Quốc của Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn giữ chính sách không chính thức về "sự mơ hồ chiến lược" của họ đối với Đài Loan, cũng như về chủ quyền của hòn đảo 23,5 triệu dân.

Ngoài ra, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Loan, mà Quốc hội Mỹ là trụ cột chính của mối quan hệ không chính thức đó với các phái đoàn gồm các nhà lập pháp đến thăm hòn đảo. Bên cạnh đó, Washington phản đối bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Còn Trung Quốc thì tiếp tục cảnh báo những hậu quả xấu mà Mỹ phải gánh chịu.

Khi nhìn về mối quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Đài, chuyến dừng chân ở New York và California của bà Thái sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên căng thẳng Mỹ - Trung vốn đã chực chờ bùng phát thời gian qua.

Đài Loan tố Trung Quốc đưa tàu, máy bay áp sát lúc bà Thái Anh Văn ở MỹĐài Loan tố Trung Quốc đưa tàu, máy bay áp sát lúc bà Thái Anh Văn ở Mỹ

Giữa lúc nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, cơ quan phòng vệ Đài Loan phát hiện 1 máy bay và 3 tàu chiến của Trung Quốc tiến gần hòn đảo này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp