Video: THIÊN KHẢI - MAI VINH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhấn mạnh: Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính, nhà lưới tràn lan từ trong lòng thành phố đến vùng vành đai mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây.
"Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và 'sức khỏe' hệ sinh thái của Đà Lạt", tiến sĩ Vũ Ngọc Long nói.
Nhà kính ở Đà Lạt xuất hiện ngày càng nhiều, dày đặc và ngột ngạt - Ảnh: THIÊN KHẢI
Màu xanh thành màu trắng
* Có khoảng 4.400ha nhà kính, 1.200ha nhà lưới ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận. Trong khi đó tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt chỉ hơn 10.000ha. Diện tích nhà tương đương với diện tích canh tác công nghệ cao của Đà Lạt. Ông nhìn nhận về những số liệu này như thế nào?
- Số liệu bạn có là số liệu ghi nhận từ cơ quan thống kê của địa phương vẫn chưa đầy đủ so với thực tế vì còn rất nhiều người dân không báo cáo địa phương.
Số liệu này cho thấy một bức tranh ảm đạm về sự thay đổi môi trường và cảnh quan của Đà Lạt.
Nếu nhìn bản đồ Đà Lạt, những vùng hiển thị màu xanh tôi sẽ đổi nó sang màu trắng cho đúng với thực trạng của cảnh quan Đà Lạt.
Đó là màu của nhà kính. Số liệu đã chứng minh nông nghiệp ở đây chỉ toàn nhà kính. Và màu trắng cùng với những màu khác ngoài màu xanh phủ quá nửa bản đồ Đà Lạt.
Những so sánh khác cho thấy diện tích nhà kính hiện nay đã gấp 5 lần so với 5 năm trước đó. Hiện trạng xây dựng nhà kính được phát triển một cách tự do và gần như thả nổi tùy vào từng hộ gia đình.
Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau khoảng 20.000ha, trong đó 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao.
Điều đó có nghĩa chỉ 2 năm nữa, nhà kính và nhà màng bọc sẽ phát triển nhiều hơn nữa theo một quy hoạch chung.
* Và điều gì đang xảy ra trong và quanh những "dòng sông trắng" của nhà kính lượn quanh Đà Lạt, thưa ông?
- Về mặt lý thuyết, nhà kính, nhà màng bọc, nhà lưới sinh ra để hạn chế những sự thay đổi bất thường về khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Không phải tất cả những loài cây trồng đều ưa thích nhà kính. Chỉ có những cây thuộc họ Lan (Orchidaceae), hay họ Ráy (Araceae)... phát triển rất tốt trong nhà kính.
Nhà kính trong nông nghiệp sẽ có 3 tác động ảnh hưởng gây hại chính cho môi trường: đó là làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước.
Nhà kính đang vây vùng dân cư
* Đó có phải là một trong những nguyên nhân làm Đà Lạt vốn mát mẻ nay trở nên nóng hay không, thưa ông?
- Nhìn vào cách thức bố trí nhà kính như ở Đà Lạt hiện nay, bạn sẽ thấy Đà Lạt "nóng". Nóng vì nhà kính xây dựng san sát nhau thành những thung lũng nhà kính, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt.
Khi nhiệt độ môi trường bên ngoài nóng lên, người ta phải làm mát bên trong nhà kính. Khi hàng chục ngàn hecta nhà kính có yêu cầu làm mát thì lúc đó hơi nóng từ trong nhà kính sẽ lan tỏa ra xung quanh, theo những hành lang thung lũng bao trùm lên Đà Lạt hâm nóng bầu khí quyển.
Và như thế nhiệt độ khu vực trung tâm và vùng lân cận Đà Lạt, nơi nhiều nhà kính, sẽ tăng lên.
Trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, những cây dầu nước hay như cây sao đen của Đà Lạt ra hoa hai lần trong một năm hoặc kéo dài thời gian ra hoa hơn bình thường từ tháng 1 đến tháng 5 vẫn lác đác ra hoa.
Đây là điều bất bình thường và là hệ quả của môi trường bị thay đổi nhiệt độ nóng lên hơn và lượng mưa cũng nhiều hơn.
Đà Lạt đang bị ô nhiễm nguồn nước, đất bị thái hóa, bệnh dịch phát triển. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc lạm dụng nhà kính và lối canh tác chuyên canh. Để khắc phục, nông dân buộc phải sử dụng thuốc hóa học. Dịch bệnh sẽ dứt được một thời gian nhưng lại gây ô nhiễm trở lại.
Vùng nông nghiệp Đà Lạt lâm vào vòng luẩn quẩn, hậu quả càng lúc càng nặng.
* Ông từng đề cập vùng tiểu khí hậu tiêu cực đã hình thành tại Đà Lạt?
- Đúng. Nhà kính đang vây bọc lấy vùng dân cư, vùng di sản và xen vào vùng cảnh quan như kiểu Đà Lạt đang bị thắt một vòng kim cô màu trắng khổng lồ vậy. Vòng kim cô càng lớn, Đà Lạt càng mỏi mệt.
Quy hoạch Đà Lạt xưa đến nay, vùng dân cư tập trung ở thung lũng, triền đồi thấp. Vùng vành đai có giá trị điều hòa khí hậu ở vùng trung tâm.
Nhưng hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa TP, vùng trắng càng lúc càng lớn. Ở vùng trung tâm, mật độ xây dựng tăng nhanh.
Sự thay đổi kiến trúc chung trong lòng TP và vùng vành đai đã tạo nên một cơ hội để những ảnh hưởng tiêu cực "tấn công" vùng trung tâm TP.
Hồ Than Thở, một danh thắng của Đà Lạt, đang bị nhà kính áp sát - Ảnh: THIÊN KHẢI
"Máy lạnh" thành "máy nóng"
* Cụ thể là những ảnh hưởng tiêu cực nào đến đời sống người dân?
- Thử tưởng tượng xem, đáng lẽ cái nơi là "máy lạnh" của TP Đà Lạt như vùng ven và huyện Lạc Dương lại trở thành "máy nóng" thì vùng trung tâm sẽ ra sao.
Sau này Đà Lạt muốn được hơi lạnh tuyệt vời như trước năm 1990 thì phải đến khu vực Long Lanh và Hòn Giao của Bidoup Núi Bà, với độ cao 1.700 - 1.800m. Vùng 1.500m như hiện nay của Đà Lạt đã bị nhiễm "nóng".
Cần biết thêm nhiệt độ ở những khu nhà kính tăng trung bình 3-5oC so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết. Chúng tôi đã ghi nhận được những số liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã tăng trung bình 1-1,5oC và biên độ nhiệt giãn thêm 3oC trong 10 năm qua.
Những năm gần đây, những trận lũ liên tiếp xuất hiện ở hạ nguồn suối Cam Ly. Nhà kính đã bao phủ một diện tích lớn đất đai tạo nên một vùng lớn không có khả năng thấm, thoát nước (hệ số thấm gần bằng 0). Toàn bộ nước mưa đổ ra suối trong một thời gian ngắn đã gây ra lũ.
Đà Lạt, cao nguyên Lang Biang là đầu nguồn của hệ thống sông Đồng Nai và Sêrêpôk nên ô nhiễm nông nghiệp, biến đổi khí hậu ở đây sẽ ảnh hưởng rất rộng.
* Theo ông, điều gì đã khiến nhà kính trở nên mất kiểm soát như hiện nay?
- Những người quản lý đã định nghĩa chưa đủ về nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo người dân cũng hiểu sai.
Khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới) trong khi công nghệ cao còn những yếu tố như công nghệ giống, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ tự động, chăn nuôi và đồng cỏ, phát triển bền vững dựa trên canh tác hữu cơ...
Vì bị hiểu sai nên nhà nhà làm nhà kính cho rau, hoa để tăng sinh khối và năng suất.
Nhà kính thực chất là phương thức canh tác cuối cùng được áp dụng để chống chọi với môi trường quá khắc nghiệt.
Ở Israel, các nước châu Âu, Mỹ, Thái Lan... cũng ứng dụng nhà kính nhưng chỉ áp dụng ở những nơi việc bảo tồn cảnh quan không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, người làm nông nghiệp ở Việt Nam đã chọn nhà kính mà bỏ qua tất cả các yếu tố liên quan.
Đà Lạt là nơi canh tác rau ngoài trời cực tốt, tại sao phải mang rau vô trong lồng kính? Nghịch lý là chúng ta đã bỏ đi sự ưu đãi của khí hậu để áp dụng những điều mà nơi khác cũng làm được và kết quả giẫm chân vào chính chúng ta gây hậu quả khôn lường và tốn kém.
Tôi kiến nghị nên sớm có quy định quản lý nhà kính từ quy cách đến những loại rau, hoa được phép áp dụng. Đồng thời, giãn dần hoạt động canh tác nông nghiệp dùng nhà kính đến những nơi yếu tố bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ít quan trọng hơn Đà Lạt. Và chỉ áp dụng với những loại rau, hoa có giá trị kinh tế rất cao.
Ông PHẠM S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng): Bù lại mảng xanh
Đà Lạt là TP xanh và nhà kính đã lấy đi mảng xanh ấy và làm mất mỹ quan TP. Đã có những khuyến cao từ sớm về việc cải tạo cây xanh, đất dốc thì không nên làm nhà kính. Tuy nhiên, nông dân không ai nhường ai cả. Yếu tố lợi nhuận đã chi phối họ trước biến đổi môi trường.
Chúng tôi đã chọn ra và phát triển những cây trồng có giá trị cao nhưng không dùng đến nhà kính như cây siêu quả Magic S. Cạnh đó là khẩn trương trồng rừng, trồng cây lớn nhanh có độ che phủ cao.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo Đà Lạt khảo sát xác định những cây nên trồng không dùng nhà kính và ngược lại.
Về lâu dài, dựa theo quy hoạch chúng tôi tổ chức bổ sung mảng xanh để vãn hồi tình hình hiện nay. Cái cần nhất là một nghiên cứu để hình thành một khung pháp lý quản lý hoạt động nông nghiệp và chúng tôi đang triển khai.
Bà PHẠM THỊ NỞ (45 tuổi, làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt): Sống trong vùng toàn nhà kính, nóng hầm hập
Sống ở trong vùng toàn nhà kính mới thấy khổ thế nào. Tôi gần như chịu hết xiết rồi. Anh ngồi ở đây đến trưa đi rồi thấy, hơi nóng cứ hầm hập phát ra kéo theo mùi phân thuốc muốn ngộp thở. Chỉ cần chạy xe ra khỏi nhà khoảng 1km thì thấy đỡ hơn. Lúc mưa nửa tiếng thôi là ngập tanh bành chỗ này. Ở Đà Lạt mà phải lội nước.
Pháp mất 40 năm xử lý nhà kính
Chúng ta cần nhìn lại về việc phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Đà Lạt tương lai phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, cải tạo lại đất đai đã bị ô nhiễm. Tái tạo những thung lũng nhà kính thành những thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp xanh.
Sau bước này, nông nghiệp kết hợp với du lịch phải được triển khai mạnh mẽ. Cần nhìn nhận sản lượng sẽ thấp xuống nhưng chất lượng cao lên và đổi lại chúng ta sẽ có một Đà Lạt phát triển đúng tầm.
Trong đồ án, chúng tôi đã nhấn mạnh đến mảng xanh, ít nhất trong bán kính 300m phải có một mảng xanh. Mảng trắng quá lớn chứa nhiều rủi ro khí hậu của nhà kính đã vi phạm điều này khiến cấu trúc cảnh quan bị vỡ. Những thung lũng của Đà Lạt phải là hoa, rau xanh công nghệ cao nhưng không phải được phủ lên trên toàn là nhà kính.
Một số vùng của nước Pháp khi phát triển nông nghiệp đã mắc phải sai lầm này, sau gần 40 năm mới khắc phục xong để có vùng du lịch canh nông thân thiện với môi trường.
* Kiến trúc sư Thierry Huau (người Pháp, kiến trúc sư trưởng xây dựng đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050")
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận