10/08/2016 10:40 GMT+7

Nhà kiên cố chiếm lề đường, dân biết khóc cùng ai?

T.DUNG - H.ĐỨC - T.HOÀNG - N.ẨN
T.DUNG - H.ĐỨC - T.HOÀNG - N.ẨN

TTO - Lề đường bị chiếm dụng. Người đi bộ buộc phải xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông và có thể bị xử phạt vi phạm giao thông vì đi không đúng quy định.

1. một tiệm xổ số trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lúc 5 giờ 30 phút chiều, người ra vào tấp nập chắn hết vỉa hè - ảnh HỒ ĐỨC
Vài căn nhà kiên cố nằm trồi hẳn ra mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trong khi hai bên đã được giải tỏa thông thoáng khiến đoạn đường ở đây như một nút cổ chai, gây kẹt xe hằng ngày - Ảnh: HỒ ĐỨC

Bác Tín, người chạy xe ôm gần 10 năm tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh), cho biết hiện tượng nhiều nhà dân chiếm vỉa hè để kinh doanh đã trở nên bình thường và không ai bị xử phạt cả.

Thỉnh thoảng công an tuần tra ngang qua thì họ kéo mái che phía trước nhà và dọn vào trong, công an đi thì họ lại dọn ra, vậy nên người đi bộ chẳng còn vỉa hè mà đi.

Ngó lơ nhà kiên cố lấn chiếm 

Anh Nguyễn Thế Hưng (26 tuổi) tỏ ra bức xúc: “Trước đây tôi hay đi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chiều nào đi làm về qua hết đoạn cầu Thị Nghè cũng bị kẹt xe, nếu không kẹt thì ùn ứ vì nhiều người đứng ngay dưới đường mua hàng. Hai bên đường các cửa tiệm bày bán đầy hàng hóa. Nhiều lúc tôi rất bực mình nhưng cũng cố gắng kiên nhẫn, có người khó tính vì phải chờ lâu họ đứng bóp còi xe inh ỏi".

"Theo tôi, để đoạn này hết ùn ứ phải giải quyết lề đường thông thoáng, có chỗ cho người đi bộ và xe máy di chuyển, đừng để cảnh người và hàng hóa ngổn ngang chiếm dụng vỉa hè rất bầy hầy” - anh Hưng đề nghị.

Bùi Việt Toàn - một sinh viên ĐH Kiến trúc - bức xúc: "Cơ quan chức năng có vẻ như chỉ tập trung xử lý vài địa điểm chợ tự phát, người bán hàng rong trên lòng, lề đường chứ không có hình thức nào với những người có nhà kiên cố chiếm hết lề đường".

Anh Trần Minh - một người dân thường xuyên phải đi qua đường Đinh Bộ Lĩnh đến chỗ làm - bức xúc nói: "Hành động chiếm dụng hết lề đường như vậy lẽ ra cần phải bị xử phạt thật nghiêm". 

"Tại sao lực lượng chức năng chỉ xử lý người bán hàng rong, xe đẩy trên lòng, lề đường, chứ không hề có bất kỳ hình thức xử phạt nào đối với các hộ kinh doanh chiếm dụng lề đường?" - anh Minh đặt câu hỏi. 

Anh đặt vấn đề: "Phải chăng vì vậy mà các hộ kinh doanh, buôn bán trên ngày càng lộng hành, thậm chí còn sử dụng phần lề đường trước nhà để cho người bán hàng rong thuê lại buôn bán?".

Không có dự án nên đành bó tay?

Trả lời những bức xúc của người dân, ông Lê Ngọc Hùng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - TP.HCM, cho biết do lịch sử trước đây khi mở rộng mặt đường thì nhiều căn nhà nằm sát lề đường. Bây giờ việc giải tỏa những căn nhà này rất khó vì không có dự án nên không có ngân sách đền bù giải tỏa.

Tương tự, lãnh đạo Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP cho rằng khi triển khai dự án mở rộng theo quy hoạch, lúc đó mới tính giải tỏa nhà, trả lại lề đường cho người đi bộ.

Ông Lê Minh Nhựt - chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân - cho rằng với những căn nhà xây dựng sát lề đường không còn lề cho người đi bộ lại liên quan đến vấn đề pháp lý như cần xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có nhiều trường hợp không sai quy định của nhà nước vì diện tích căn nhà là hiện trạng trước đó.

Kinh tế vỉa hè đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, có rất nhiều lý do mà từ trước đến nay vấn nạn vỉa hè vẫn không thể giải quyết được, điều đó phải xét về điều kiện sống, văn hóa, trình độ dân trí, hoàn cảnh kinh tế của đất nước, cần xử lý gốc rễ mới là giải pháp lâu dài.

TS - KTS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng để giải quyết một vấn đề quản lý đô thị là đụng chạm đến lợi ích của người dân, nguyên tắc chung là phải đảm bảo công bằng và hài hòa giữa lợi ích riêng của người dân với lợi ích chung của xã hội.

Quản lý lòng lề đường nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn và mỹ quan đô thị, đồng thời còn tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn, kiếm sống. Điều quan trọng nhất là chính quyền phải có quy hoạch, kế hoạch rõ ràng, phải công khai và bảo đảm hài hòa các lợi ích.

Những nơi có nhu cầu giao thông cao dứt khoát phải kiên quyết giải tỏa lòng lề đường để đảm bảo giao thông. Những nơi xung yếu phải có cảnh sát quản lý, chống lấn chiếm một cách thường xuyên, liên tục.

Để giải quyết nhu cầu của người buôn bán nhỏ, TS Võ Kim Cương đề xuất chính quyền khi cho phép sử dụng cần niêm yết quy định để mọi người biết và chấp hành việc sử dụng vỉa hè.

Ngoài ra, để chống tiêu cực (nhận hối lộ để không bị giải tỏa), các đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm quản lý vỉa hè cho từng cá nhân cụ thể và kiểm tra chặt chẽ trách nhiệm đó.

Kỳ 1:

T.DUNG - H.ĐỨC - T.HOÀNG - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp