Sau khi Công ty OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, các công ty công nghệ khác đã chạy đua để phát triển các công cụ tương tự.
Đầu tuần này, Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo sẽ ra mắt một chatbot có tên là Bard và tích hợp nó vào công cụ tìm kiếm của mình.
Tuy nhiên, Bard đã mắc lỗi trong video quảng cáo được công bố đầu tuần này trước sự kiện ra mắt ở Paris, theo Đài RT ngày 8-2.
Cụ thể, trong video quảng cáo do Google công bố, một người dùng đã hỏi công cụ Bard: "Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình nghe về những khám phá mới nào từ kính viễn vọng không gian James Webb (JWST)?".
Chatbot này đưa ra nhiều câu trả lời, trong đó có thông tin kính viễn vọng này "đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta".
Tuy nhiên, nhà vật lý thiên văn người Mỹ Grant Tremblay đã chỉ ra trên Twitter rằng câu trả lời trên là sai. Hình ảnh đầu tiên như vậy được chụp bởi Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài thiên văn phía nam châu Âu (ESO) vào năm 2004. Ông bình luận mặc dù gây ấn tượng nhưng các chatbot trí tuệ nhân tạo "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".
Theo trang tin The Verge, các nhà thiên văn học khác cũng chỉ ra rằng câu trả lời trên của Bard là không chính xác.
Lỗi trên được phát hiện ngay trước khi Google ra mắt Bard tại một sự kiện ở Paris, Pháp vào ngày 8-2. Giá trị của công ty giảm mạnh 8% khi tin tức về lỗi này lan truyền.
Các công cụ trí tuệ nhân tạo như Bard không mang lại kết quả chính xác cho mọi câu hỏi. Khi chúng "nghiền ngẫm" hàng ngàn tỉ trang và số liệu do con người tạo ra, chúng dự đoán những câu trả lời có khả năng nhất cho một câu hỏi.
Microsoft đã lưu ý điều này khi gần đây thông báo đưa trí tuệ nhân tạo (AI) được cải tiến dựa trên ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của họ. "Bing được hỗ trợ bởi AI, vì vậy có thể xảy ra những điều bất ngờ và sai sót" - công ty này lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận