Tiến sĩ Stewart Adams được tôn vinh vì công trình nghiên cứu của ông đã dẫn tới việc khám phá ra loại thuốc giảm đau quan trọng ibuprofen vào những năm 1960 - Ảnh: BOOTS UK
Ông Stewart Adams qua đời tại quê nhà. Con trai ông, ông Chris, hiện sống tại Nottingham, xác nhận cha mình đã mất ngày thứ tư (30-1).
Ông Stewart Adams đã tham gia suốt quá trình 10 năm với các cuộc thử nghiệm thuốc ibuprofen và chờ đợi thêm 7 năm nữa để ibuprofen được chấp nhận là một loại thuốc bán theo đơn.
Sau khi học dược tại ĐH Nottingham, ông gia nhập bộ phận nghiên cứu của hãng dược Boots. Năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, ông từng nói rất vui khi hàng trăm triệu người trên thế giới đang sử dụng loại thuốc do ông khám phá ra.
Giáo sư Kevin Shakesheff thuộc ĐH Nottingham, cho rằng sự nghiệp và những đóng góp của ông Adams với người bệnh đã "truyền cảm hứng" cho người khác.
"Ông được ghi nhớ vì những thành công trong việc tạo ra một trong những loại thuốc giảm đau quan trọng nhất thế giới, giống như những người truyền cảm hứng khác, ông cũng đã phải vượt qua những thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu trước khi ông và nhóm cộng sự tạo ra được thuốc ibuprofen", ông Kevin Shakesheff nói.
"Cuộc đời ông là lời nhắc nhở với tất cả mọi người ở Nottingham là chúng ta có thể thay đổi thế giới thông qua công việc ta làm tại các công ty, bệnh viện và các trường ĐH ở địa phương", ông Kevin nói tiếp.
Tiến sĩ Adams sinh năm 1923 tại Byfield, Northamptonshire. Ông rời trường học năm 16 tuổi và bắt đầu học việc tại một cửa hàng dược bán lẻ của công ty Boots.
Sau đó ông lấy bằng cử nhân dược tại ĐH Nottingham, tiếp đó là bằng Tiến sĩ dược lý tại ĐH Leeds và quay lại làm việc cho bộ phận nghiên cứu của chuỗi bán lẻ thuốc và mỹ phẩm Boots Pure Drug năm 1952. Ông làm việc cho chi nhánh Boost UK trong suốt sự nghiệp còn lại của mình.
Ông Adams được tôn vinh với công trình nghiên cứu của mình, ông nhận bằng tiến sĩ khoa học danh dự của ĐH Nottingham và hai tấm biển xanh (blue plaque - tấm biển gắn lên tường nhà, cho biết nơi ở và làm việc của những nhân vật nổi tiếng ở Anh) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận