Đa số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với PGS.TS Đinh Công Hướng, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng những cống hiến của mình.
"Nếu Trường đại học Quy Nhơn không cấm và thầy đã hoàn thành nhiệm vụ với trường rồi thì tôi nghĩ việc này cũng giống như giáo viên dạy thỉnh giảng. Ngoài giờ thì giáo viên có quyền làm thêm. Việc này là chính đáng, chả có gì là liêm chính với không liêm chính cả. Có sai hay không là đơn vị mua sản phẩm của thầy để làm gì, mục đích gì...", bạn đọc khaiphong1978.02@... nêu.
"Đây là sản phẩm trí tuệ, công lao của ông ấy thì ông ấy có quyền bán, và đây là đồng tiền sạch. Nếu quá khắt khe với giới tinh hoa thì làm sao có những sản phẩm áp dụng vào cuộc sống cho con người được tốt hơn? Một bản nhạc khi đến với công chúng thì nhạc sĩ sáng tác vẫn có tiền bản quyền, vậy một nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm tốt cho xã hội thì họ cũng phải được hưởng từ trí tuệ, công sức của mình", bạn đọc nguy****@... ý kiến.
"Ở đây thầy bán các sản phẩm của chính mình, không làm gì hại cho dân cho nước cả. Nếu như các sản phẩm của thầy được trả công xứng đáng để thầy có thể nuôi sống bản thân và gia đình thì có lẽ đã không có việc bán bài nghiên cứu. Thế mới thấy cơ chế, chính sách hiện nay chưa thể nuôi sống và khó giữ chân các nhà khoa học tài năng", bạn đọc anhduongxq2@... tâm tư.
Cho rằng "tư duy cấm kiểu này giống thời bao cấp", bạn đọc hoathuy10@... đề nghị: "Cần thực hiện Khoán 10 trong nghiên cứu khoa học. Nghĩa là quy định bao nhiêu điểm nghiên cứu khoa học cho cơ quan chủ quản, nhà khoa học thực hiện đủ là OK. Khoản còn lại cho nhà khoa học thu nhập tăng thêm nữa chứ".
"Trả cho nhà khoa học thì hữu hạn, thậm chí là đói. Nhưng đòi thu hết tất cả những gì của người ta có khác nào thu mua bắt buộc như thời bao cấp! Làm thế là triệt tiêu động lực phấn đấu của các nhà khoa học. Nhà khoa học cũng có gia đình, con cái cần tiền để chăm sóc. Tôi ủng hộ việc làm của PGS Đinh Công Hướng. Nó chính là Khoán 10 trong khoa học. Cần cởi trói cho nhà khoa học", bạn đọc này nhấn mạnh.
Nhiều bạn đọc khác cũng đồng quan điểm: "'Đồng tác giả' hay 'Hợp tác nghiên cứu với các tổ chức khác' là bình thường đối với thế giới" (bạn đọc tuanle-letuan@); "Tôi rất thông cảm với ông Hướng, không lẽ làm nhà khoa học cứ phải nghèo? Bán bài nghiên cứu dù sao cũng tốt hơn mua bài nghiên cứu của một số vị mới lùm xùm vừa qua" (bạn đọc hoangnv69@...); "Cái này cũng như hợp tác để viết sách thôi. Tôi thì lại ước nước ta nên có nhiều nhà khoa học được mời hợp tác 'kiếm thêm' như vậy!" (bạn đọc heee@...)...
Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nhà khoa học
Cũng từ câu chuyện thầy Hướng, bạn đọc mong các cơ quan, đơn vị nhìn nhận lại vấn đề trả công cho nhà khoa học một cách xứng đáng.
"Xem tin này thấy xót xa cho đội ngũ nhà khoa học kỹ thuật cao của Việt Nam, đặt ra vấn đề cho những người có trách nhiệm để có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ. Bán chất xám cho người khác để nuôi sống bản thân và gia đình là chẳng đặng đừng, không ai muốn", bạn đọc ngoclamb@... viết.
"Câu chuyện của thầy chứng tỏ thực tế là nhiều trường đại học hoặc viện nghiên cứu không hề có cơ chế hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chỉ tìm cách bắt bẻ hành chính. Trả lương thì bèo, nghiên cứu xong thì không thưởng hoặc thưởng cho có. Nếu cứ mãi như vầy thì bảo đảm các nhà khoa học bỏ chạy hết. Đòi người ta làm khoa học mà không cho tiền, đúng là hơi ảo tưởng", bạn đọc gfnfgn@... thẳng thừng.
"Cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho những giáo sư có năng lực nghiên cứu tốt như thế này để họ yên tâm làm việc và nghiên cứu", bạn đọc hcns@... đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận