Nghiên cứu sinh Nguyễn Cao Luân trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Lowy, Đại học New South Wales ở Sydney, Úc - Ảnh: NVCC
Ra đời năm 2015, mục tiêu của Tổ chức Ruy băng tím nhằm cung cấp thông tin đúng, đủ về mặt khoa học, y học về ung thư. Sau hơn 4 năm hoạt động, trang web cũng như trang Facebook của Ruy băng tím đã dần quen thuộc với những người có nhu cầu tìm hiểu về căn bệnh này.
Đằng sau hoạt động của Ruy băng tím là một nhà khoa học trẻ sinh năm 1990: Nguyễn Cao Luân. Tuổi Trẻ trò chuyện cùng Luân về những gì đã làm được với Ruy băng tím và cả những dự định đường dài của Luân và các thành viên đang góp sức.
"Nếu mình không làm thì ai làm?"
* Vì sao Luân nghĩ tới việc thành lập Ruy băng tím?
- Lúc đang học thạc sĩ tế bào học ở Đại học Hiroshima, Nhật Bản (từ tháng 10-2014 đến tháng 3-2017), nhiều bạn bè nhắn hỏi tôi về các thông tin liên quan ung thư. Họ gửi cho tôi nhiều đường link báo chí, mạng xã hội, hỏi điều này, điều kia đúng hay sai.
Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên là thông tin sai về bệnh ung thư quá nhiều, rất nhiều thông tin không chính thống, nửa sự thật, thậm chí sai sự thật nhằm dẫn dụ người bệnh từ bỏ điều trị chính thống để bỏ tiền mua, sử dụng các sản phẩm, phương pháp điều trị chưa được chứng minh lâm sàng nhằm mục đích thương mại.
Tôi nghĩ cần một giải pháp thay đổi điều đó, và kết quả là sự ra đời ngày 12-12-2015 của tổ chức phi lợi nhuận Ruy băng tím.
* Từ ý tưởng đến việc thành lập, đi vào hoạt động là một khoảng cách xa, Luân đã làm thế nào?
- Trước tiên, tôi tìm đọc các trang thông tin chính thống cùng có mục tiêu cung cấp kiến thức về ung thư và nhận thấy những trang này đều rơi vào ba loại. Một là rất giỏi truyền thông nhưng thiếu kiến thức chuyên môn căn bản, hai là giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng truyền thông lại khô khan, không hấp dẫn, và ba là các trang thông tin riêng của các nhà khoa học, kiến thức khoa học phong phú nhưng lại thiếu thông tin lâm sàng hoặc không có chuyên gia về ung thư.
Ban đầu tôi định mang ý tưởng của mình tham gia vào một trang thông tin chính thống, nhưng sau khi liên hệ không ai trả lời, tôi buồn lắm, tính bỏ luôn. Nhưng một người bạn thân là anh Nguyễn Quốc Toàn, khi đó cũng đang học thạc sĩ bên Nhật, có nói một câu khiến tôi phải suy nghĩ rồi quyết tâm thực hiện ý tưởng: "Nếu mình không làm thì ai làm?".
Cũng anh Toàn là người đã hỗ trợ tài chính mua tên miền và phí hosting cho trang web của Ruy băng tím giai đoạn đầu. Thế rồi, may mắn sao, tôi tìm được chị Trương Thị Mỹ Dung, nhờ chị lo cho mảng truyền thông. Chị cũng là người đồng sáng lập Ruy băng tím.
Rồi cũng nhờ cơ duyên, tôi đã được TS Nguyễn Hồng Vũ thuộc Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) nhận lời làm cố vấn khoa học cho tổ chức. Cùng sự tham gia của một bạn sinh viên tên Hưng, Ruy băng tím đã có thể đi vào vận hành với 4 thành viên "cứng" ban đầu. Giờ thì nhóm đã có 16 thành viên và mọi công việc đã đi vào nề nếp hơn.
Ruy Băng Tím về với Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM để chia sẻ với các bạn sinh viên - Ảnh: NHÂN TRƯƠNG
Hướng đến người trẻ
* Là tổ chức phi lợi nhuận nhưng dĩ nhiên Ruy băng tím vẫn cần ngân sách hoạt động. Các bạn giải quyết vấn đề này thế nào?
- Thực sự những ngày đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn tài chính. Trong khoảng 3 năm đầu, tôi và chị Dung phải bỏ tiền túi. Bản thân tôi phải dành dụm tiền từ học bổng thạc sĩ bên Nhật và sau này là học bổng tiến sĩ bên Úc để chăm lo cho Ruy băng tím.
Chỉ mãi tới năm thứ 4, nguồn thu từ tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm và của mọi người thông qua chương trình tặng lịch, tiền bán sách tranh và đặc biệt là tiền bán cuốn sách đầu tiên của Ruy băng tím là Ung thư: tin đồn & sự thật (phát hành ngày 27-5-2019, nay đã tái bản lần thứ 4 với số lượng hơn 15.000 bản), tổ chức đã có nguồn tài chính ổn định, thậm chí dư một chút để hoạt động.
* Niềm vui đáng nhớ nhất trong hành trình với Ruy băng tím của Luân là gì?
- Nhớ nhất là hồi đầu khi mới thành lập trang web và đăng bài vở, khi đó tôi còn khá rảnh rỗi và có nhiều thời gian viết bài cho trang, nhìn biểu đồ hiển thị số lượng người truy cập tăng vọt, tôi vui lắm, cảm nhận rõ là mọi người đã rất đón nhận ý tưởng, biết là mình đã đi đúng hướng. Sau đó là niềm hạnh phúc ngất ngây khi cuốn sách Ung thư: tin đồn & sự thật bán rất chạy, lọt top 50 sách bán chạy trong tháng của trang Tiki.
* Định hướng trong tương lai gần và về lâu dài của Ruy băng tím là gì?
- Về bản chất, trang web cũng như fanpage hay group của Ruy băng tím không phải nơi tư vấn hay chữa trị bệnh ung thư nên tụi mình sẽ không trả lời những câu hỏi kiểu như "tôi nên chữa trị theo cách này hay cách kia".
Điều chúng tôi chú trọng nhất là cung cấp kiến thức về phòng ngừa ung thư cho giới trẻ Việt Nam, giúp mọi người biết cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Mặc dù ung thư đang ngày càng trẻ hóa, nhưng nó vẫn được xem là một bệnh già, muốn tránh bị ung thư lúc già cần phải biết phòng ngừa từ trẻ.
Vì hướng tới người trẻ nên trong tương lai, chúng tôi cũng đang có những chuyển đổi trong cách truyền thông kiến thức. Thay vì tập trung nhiều cho cách truyền thông ở dạng đọc với thông tin dạng văn bản như hiện nay, chúng tôi sẽ tiến tới đa dạng hóa các cách thể hiện nội dung sang nghe, nhìn nhiều hơn.
Các kiến thức cũng sẽ được đồ họa, video hóa thành những clip ngắn, vui vẻ, hấp dẫn để mọi người muốn xem hơn.
Nguyễn Cao Luân (sinh 1990) là thạc sĩ tế bào học tại ĐH Hiroshima (Nhật Bản), hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành liệu pháp miễn dịch tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Lowy, Đại học New South Wales, Sydney, Úc.
Luân là đồng sáng lập và là tác giả trên trang web của Ruy băng tím, diễn giả của 2/8 talkshow về các chủ đề ung thư do Ruy băng tím tổ chức, là đồng tác giả của 5 ấn phẩm đã ra mắt tới nay của tổ chức gồm: sách Ung thư: tin đồn & sự thật (5-2019), bộ sách tranh Lối sống lành mạnh - phòng ung thư gồm 4 cuốn (6-2018), sổ tay Hormone hạnh phúc (2017) và lịch để bàn các năm 2017, 2019 cung cấp kiến thức phòng ung thư.
* Trương Thị Mỹ Dung (đồng sáng lập Ruy băng tím):
Lựa chọn dấn thân
Trong quá trình phát triển Ruy băng tím, ngay từ đầu chúng tôi đã lựa chọn dấn thân, nói là làm, chỉ bàn cách làm, miễn bàn ra. Với tâm thế hành động một cách chủ động như vậy nên Ruy băng tím không ngừng phát triển và lớn mạnh một cách bài bản.
Cực đoan về vấn đề lợi nhuận/tài trợ vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của nhóm. Có nhiều đơn vị gửi đề xuất hợp tác nhưng chúng tôi rất khó, rất kén nhà tài trợ. Bởi chúng tôi luôn hỏi nhau một câu quan trọng: mình làm vì cộng đồng hay vì tiền? Trả lời: nếu vì tiền thì đã không làm rồi. Vì vậy, chúng tôi được cộng đồng tin tưởng về sự minh bạch và đàng hoàng. Nhưng ngược lại, nhóm không phát triển bùng nổ hay tạo hiệu ứng mạnh mẽ vì thiếu kinh phí. Có điều chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì điều đó.
* TS Nguyễn Hồng Vũ (cố vấn khoa học cho Ruy băng tím):
Chỗ dựa cho người bệnh
Việc Luân và Dung quyết định thành lập Ruy băng tím theo tôi là việc làm rất thiết thực và cần thiết cho cộng đồng người bệnh ung thư ở Việt Nam.
Những năm gần đây, tình trạng thông tin về ung thư thật sự rất nhiễu loạn với nhiều tin đồn thất thiệt, những thông tin giả khoa học và nhiều người đã dựa vào đó để kinh doanh những thần dược mơ hồ, những phương pháp trị bệnh phản khoa học, lừa đảo người bệnh ung thư, gây thiệt hại tài chính cũng như sức khỏe của người bệnh.
Tôi mong Ruy băng tím trong tương lai sẽ là chỗ dựa để người bệnh ung thư Việt Nam tìm đến khi cần những thông tin xác thực về căn bệnh này, từ đó giảm thiểu rủi ro từ các tin đồn thất thiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận