09/04/2015 09:43 GMT+7

Nhà hát Trần Hữu Trang: "thánh đường mới" cho cải lương

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) sẽ khai trương ngày 18-4. Đây là rạp hát mới được xây dựng lại từ nền của rạp Hưng Ðạo cũ với số vốn huy động 132 tỉ đồng.

Mặt tiền mới của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sáng 8-4 - Ảnh: H.O.

Sáng 8-4, tại trụ sở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa đại diện văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân TP, Sở Văn hóa - thể thao TP và ban giám đốc nhà hát để bàn về tình hình hoạt động của cải lương.

Rạp hát mới được xây dựng lại từ nền của rạp Hưng Ðạo cũ với số vốn huy động 132 tỉ đồng do Sở Văn hóa - thể thao TP làm chủ đầu tư.

Giấc mơ thành hiện thực

Nhà hát có mặt tiền sáng đẹp với diện tích sử dụng hơn 6.000m2, gồm năm tầng lầu và một tầng hầm, có hệ thống thang máy và thang cuốn sang trọng.

Ngoài khán phòng chính với trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, ghế ngồi thoải mái, nhà hát còn có các khu vực sân khấu thể nghiệm, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống, phòng sản xuất băng đĩa...

Ðây có thể được xem là “giấc mơ thành hiện thực” của giới nghệ sĩ cải lương TP.HCM và khán giả mộ điệu sau mấy chục năm phải mở màn sáng đèn tại rạp Hưng Ðạo cũ kỹ, xập xệ, xuống cấp, chuột chạy như chốn không người.

Tiếp đó là một thời gian dài mượn rạp Thủ Ðô cũng rệu rã không kém để diễn tạm trong thời gian chờ nhà hát mới hoàn thành.

Nghệ sĩ Phan Quốc Kiệt - rạp trưởng rạp Hưng Ðạo cũ - từng bày tỏ: “Rạp hát cải lương mới là mong muốn và khát khao của tất cả nghệ sĩ chúng tôi”.

Trong tâm thế sắp được về hoạt động nghệ thuật tại “nhà hát trong mơ”, các nghệ sĩ ai nấy mừng vui khấp khởi và tràn đầy hi vọng, tuy nhiên vẫn còn đó những khúc mắc và ưu tư.

Sân khấu nhỏ và không có kho

Dù nhà hát mới xây trông rất to đẹp, bề thế, hiện đại nhưng các đạo diễn cải lương lại cho rằng diện tích sân khấu mới khá nhỏ so với quy chuẩn dựng vở.

Sân khấu cũ có chiều dài khoảng 12m, trong khi sân khấu mới chỉ dài 10m, nếu trừ hai bên cánh gà chỉ còn khoảng 8m.

Không gian khá chật như vậy sẽ gây khó khăn cho việc dàn dựng, thiết kế cảnh trí, bố trí ánh sáng, nhất là vở diễn đòi hỏi những đại cảnh đông người.

Tuy nhiên, đây gần như là “việc đã rồi” vì hiện nay nhà hát đã được xây xong về cấu trúc và đang hoàn thành những công đoạn trang trí cuối cùng để chuẩn bị khai trương.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng “kêu” rằng nhà hát mới không có kho để chứa cảnh trí và bảo quản thiết bị âm thanh ánh sáng.

Thực trạng này từng kéo dài ở thời rạp Hưng Ðạo cũ, khi toàn bộ cảnh trí và thiết bị được đem đi gửi ở kho 28 Xô Viết Nghệ Tĩnh vốn không có chỗ đậu xe tải, hoặc được bảo quản không tập trung ở rạp Thủ Ðô, dễ gây tình trạng hư hỏng, thất lạc.

Vậy nên trong bản kiến nghị gửi lãnh đạo TP sau cuộc họp, ban giám đốc nhà hát đề xuất được cấp mặt bằng làm kho chứa cảnh trí và thiết bị tại nhà hát mới.

Cần tăng lương để giữ chân nghệ sĩ

Trong bản báo cáo tình hình hoạt động, NSND Trần Ngọc Giàu - tân giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - cho biết hiện nay mức thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên nhà hát khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong đó người lãnh cao nhất là 9,2 triệu đồng, người thấp nhất chỉ lãnh khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập quá thấp như vậy, không tránh khỏi chuyện các nghệ sĩ bỏ nhà hát đi chạy sô... hát đám ma hoặc hát trong tiệc cưới, tiệc sinh nhật của các đại gia để có thể tăng thêm thu nhập. Thực trạng này là hậu quả của việc cải lương đang ngày càng gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả và bán vé.

Trong năm 2014, Nhà hát Trần Hữu Trang đã dựng được bốn vở diễn, tuy nhiên luôn phải bù lỗ vì tình trạng ế ẩm thường xuyên. Các suất diễn đi ngoại thành, đi diễn hợp đồng cũng không mấy khả quan vì chi phí đi lại quá cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ tài năng làm nghề ngày càng khan hiếm vì chế độ đãi ngộ thấp cộng với sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác.

NSND Trần Ngọc Giàu đề xuất cần có chế độ giảm thuế thu nhập với loại hình nghệ thuật cải lương truyền thống; có chính sách nâng cao đời sống của anh em nghệ sĩ cải lương, thay thế chế độ bồi dưỡng tập luyện lạc hậu bằng một chế độ khác phù hợp hơn.

Nói chung, cải lương chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Tuy nhiên, những nỗ lực để “cứu” cải lương vẫn đang được những người trong giới thực hiện với bao tâm huyết.

Đổi tên thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang

Công trình rạp hát này được đặt tên ngay từ đầu là Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, dựa trên cái tên “rạp Hưng Đạo” (tọa lạc ở số 136 Trần Hưng Đạo, quận 1) vốn đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ khán giả cải lương từ trước giải phóng.

Đến sáng 8-4, mặt tiền nhà hát này vẫn được gắn tên đầy đủ là Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo.

Tuy nhiên, giới nghệ sĩ cải lương đã râm ran câu chuyện đổi tên nhà hát từ nhiều ngày qua, và chính thức trình bày nguyện vọng trong buổi làm việc với đại diện Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM.

Theo đó, Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo nên được đổi tên thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nhằm vinh danh công lao và tài đức của soạn giả Trần Hữu Trang với nghệ thuật cải lương.

Nhiều nghệ sĩ khẳng định chỉ cần nhắc đến Trần Hữu Trang là người ta sẽ biết đó là nơi diễn cải lương sang và đẹp.

Việc đổi tên là chuyện hoàn toàn hợp lý, cũng giống như cuộc thi danh giá nhất về cải lương hiện nay được gọi là giải Trần Hữu Trang vậy.

Tiếp thu đề xuất của các nghệ sĩ, Thành ủy và UBND TP.HCM đã có quyết định sẽ triển khai việc đổi tên này và chỉ đạo thực hiện kịp tiến độ hoàn thành công trình.

Như vậy, trong vài ngày tới bảng tên Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo sẽ được gỡ xuống và thay thế bằng cái tên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp