Trích đoạn hầu văn Cô đôi thượng ngàn do Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn - Ảnh: NBL |
Chúng tôi quyết tâm thực hiện chuỗi chương trình Hà Nội đêm thứ bảy không chỉ để làm dày thêm suất diễn của nhà hát mà còn là sự chủ động tiếp cận, lắng nghe nhu cầu khán giả bằng nhiều cách thức khác nhau. |
NSND Thúy Mùi, giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội |
Tại buổi họp báo chiều 22-5, Nhà hát Chèo Hà Nội đã công bố kế hoạch diễn trong tháng 6, 7 và 8 -2017. Theo đó, nội dung các đêm diễn xoay quanh hai phần là trình diễn các vở chèo cổ, chèo hiện đại và trình diễn dưới hình thức câu lạc bộ những người yêu sân khấu.
Trong ba tháng đầu tiên, Hà Nội đêm thứ bảy mang đến những vở diễn kinh điển như Quan âm Thị Kính, Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa, Chuyện tình người mất tích, Quan lớn về làng, Nàng thứ phi họ Đặng, Chuyện tình trên bến Nam Xương…
Xen kẽ mỗi tháng là các buổi biểu diễn dưới hình thức câu lạc bộ với các trích đoạn chèo cổ, chèo hiện đại, các tiết mục hài, hầu văn… nổi tiếng như Bà già lên thành phố, Gia đình văn hóa, Chuyện nhà Bá Kiến, Chí Phèo - Thị Nở, Từ Thức gặp tiên, Giá hầu Cô đôi thượng ngàn....
Tại câu lạc bộ, các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn tương tác bằng cách diễn giải cái hay, cái đẹp của tác phẩm, hát, diễn cùng khán giả, mời người xem tham gia các màn đố vui, tặng vé khán giả may mắn…
Trích đoạn Thị Mầu lên chùa của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội - Ảnh: NBL |
Với các đêm diễn cố định vào mỗi tối thứ bảy, Nhà hát chèo Hà Nội huy động toàn bộ nghệ sĩ của Nhà hát tham gia biểu diễn, từ các nghệ sĩ đã ở cấp quản lý gồm NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Thanh Hiền… đến các nghệ nghệ sĩ kỳ cựu như NSND Quốc Chiêm cùng các gương mặt nghệ sĩ trẻ, mới.
Song song với Hà Nội đêm thứ bảy, 3 đoàn diễn của Nhà hát chèo Hà Nội vẫn duy trì chuỗi chương trình Chèo và rối nước tại sân khấu của Nhà hát (15 Nguyễn Đình Chiểu) cùng các chương trình giới thiệu nghệ thuật chèo tại các trường học.
“Sau ba tháng đầu tiên của Hà Nội đêm thứ bảy, chúng tôi dự kiến đưa vào trình diễn cả những loại hình khác như cải lương, kịch nói... để đa dạng hóa kịch mục. Trong vài năm qua, Nhà hát chèo Hà Nội vẫn duy trì biểu diễn hơn 400 buổi mỗi năm”, bà Thúy Mùi cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận