Nhiều nhà hàng đóng cửa và tìm kiếm giải pháp với kênh online hoặc giao hàng tận nơi - VIDEO: NGUYỄN TRÍ - BÔNG MAI
Ngay sau "lệnh" đóng cửa các tụ điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán ăn... của UBND TP.HCM, sáng 25-3, nhiều địa điểm khắp thành phố trống trơn, các nhà hàng đóng cửa hoặc thu gọn quy mô sức chứa theo yêu cầu.
Các tuyến phố ẩm thực sôi động như Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp)... sáng 25-3 trở nên im lìm, khung cảnh tấp nập kẻ ra người vào các nhà hàng như thường thấy đã không còn khi hầu hết nhà hàng thay nhau đóng cửa, thậm chí đóng ngay từ trước đó vì ế khách.
Tại quán Ẩm thực Rau và Cá (Q.Phú Nhuận), chị Phạm Lê Lài (chủ quán) và các nhân viên tất bật nhận đơn, giao đồ ăn trưa cho khách. Chị Tài chia sẻ trước khi dịch bệnh diễn ra, cửa hàng chị mỗi ngày có hơn 200 khách tới ăn tại chỗ và khoảng 100 đơn giao tận nơi.
Tuy nhiên khi có dịch COVID-19 thì tình hình kinh doanh giảm sút trông thấy. Cửa hàng chị phải đóng cửa một gian hàng, đồng thời đẩy mạnh kinh online.
Theo ông Nguyễn Hoàng - chủ quán cà phê 81 (Q.1), quán đóng cửa từ hôm qua theo yêu cầu của thành phố. Quán cũng đang khó khăn, thời gian gần đây thua lỗ nhưng vì lợi ích chung nên vui vẻ thực hiện.
Tuy vậy, đại diện một số cửa hàng vẫn khá "lăn tăn" về quy định về việc "đóng cửa" của TP, thậm chí có nơi vẫn chưa thực hiện lệnh đóng cửa như quy định.
Theo anh Minh - đại diện một cơ sở kinh doanh quán ăn tại Q.Phú Nhuận, việc đóng cửa chưa đồng bộ và mỗi người hiểu một kiểu do có các ý như sức chứa giảm còn dưới 30 khách, một số người thì lại nghĩ sức chứa bao nhiêu cũng phải đóng.
Tương tự, theo chị Hoàng Thanh Hương - chủ chuỗi nhà hàng Bach Restaurant (Q.Gò Vấp), từ quy mô với sức chứa hơn 100 khách, sang ngày 25-3, chị phải tinh gọn và cất bớt bàn ghế để đảm bảo giảm xuống còn 30 khách trở lại, nhà hàng cũng dán thông báo về việc này. Tuy vậy, chị vẫn không biết làm như vậy đã đúng chủ trương chưa.
Theo chị Hương, việc TP đưa ra quy định ban đầu chưa cụ thể khiến việc "đóng cửa" không đồng bộ.
Nhiều nhà hàng cho biết nếu gắng gượng kinh doanh thì doanh thu hiện cũng bằng 1/8 so với bình thường, nên thời gian qua lỗ nặng. Tuy vậy, nhiều mặt bằng hiện được chủ chia sẻ nên giảm giá thuê, thậm chí không lấy tiền thời điểm này nên nhiều đơn vị cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Nhiều quán ăn trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM đóng cửa tạm ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quán cà phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, TP.HCM đóng cửa tạm ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 25-3, nhà hàng Bach Restaurant (Q.Gò Vấp) dán thông báo về việc giảm quy mô phục vụ tối đa xuống còn 30 người - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Từ quy mô với sức chứa hơn 100 khách, sáng 25-3 chị Hương đã cất hết bàn ghế và chỉ để lại từ 30 chỗ ngồi - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tầng trệt, chị Hương dồn ghế lại với quy mô phục vụ từ 30 người trở xuống. Tuy vậy, chị vẫn lăn tăn không biết như vậy đã phù hợp với quy định của TP không - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Quán cơm trong hẻm đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) thu hẹp khu vực kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI
Một nhà hàng chuẩn bị các phần cơm để giao đến khách - Ảnh: BÔNG MAI
Một nhà hàng trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) khóa kín cửa với thông báo tạm ngưng hoạt động vì COVID-19 - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Cà phê, mì Quảng... trên đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh) "rủ nhau" đóng cửa - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Tăng cường bán qua kênh online hoặc giao hàng tận nơi là giải pháp được nhiều nhà hàng thực hiện trong thời điểm này - Ảnh: BÔNG MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận