Sáng 24-7, khi tin tức đau lòng từ vụ sụp nhà hàng nổi Vĩnh Tiến ở Ninh Thuận làm hai du khách tử vong và nhiều người bị thương còn đang “nóng” thì ở nhiều tỉnh thành có làng bè, cả nhân viên phục vụ và thực khách vẫn vô tư làm việc, ăn uống mà không một chút lo ngại.
Thực khách vẫn vô tư vì chẳng thấy chính quyền nhắc nhở, chấn chỉnh nhà bè làm nhà hàng nổi. Có lẽ họ cho rằng nếu không có tàu va vào, chắc không có chuyện xảy ra.
Sau hàng loạt tai nạn từ nhà hàng nổi 2 tầng Mỹ Khánh ở Cần Thơ, tàu ẩm thực Dìn Ký ở Bình Dương, tàu Thảo Vân 2 ở Đà Nẵng... làm nhiều người thiệt mạng, vụ sụp bè hải sản Vĩnh Tiến lại gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với loại hình du lịch ẩm thực trên sông nước này.
Khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra đều lòi ra sai phạm. Nào là không giấy phép đăng ký, chẳng đăng kiểm; không bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, là tàu du lịch “hóa thân” từ tàu cá, còn nhà hàng nổi được “hô biến” từ lồng bè nuôi cá cũ kỹ.
Xảy ra tai nạn, người dân lại nghe điệp khúc “sẽ tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý”. Lần này là từ ông Trần Quốc Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh, nói trong họp báo sau tai nạn: “Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quyết không để xảy ra vụ việc tương tự”.
Những câu nói tương tự đã được phát ra sau các vụ tai nạn ở Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng. Giá như đó không phải là “quyết tâm sau khi tai nạn xảy ra” thì có giá trị biết dường nào.
Khi tai nạn chết người xảy ra, cơ quan chức năng lại rầm rộ “tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh”. Lẽ ra phải hành động trước để ngăn chặn tai nạn thì họ lại làm theo quy trình “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhà hàng nổi Vĩnh Tiến sụp, người ta lại giật mình vì nó được cải hoán từ lồng bè nuôi cá cũ kỹ. Tàu du lịch trên sông Hàn lật, người ta mới than trời vì đó là tàu cá hoán cải.
Thật bất an khi nghe giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận nói năm 2015 sở này kiểm tra phát hiện hầu hết các nhà bè ở đây đều không đảm bảo an toàn, không giấy phép, đã đình chỉ nhưng sau đó các bè này hoạt động trở lại.
Càng ngao ngán hơn khi các cơ quan quản lý ở Ninh Thuận đổ trách nhiệm cho nhau: Sở GTVT nói lồng bè nuôi cá nên thuộc Sở NN&PTNT quản lý, Sở NN&PTNT cho rằng do kinh doanh phục vụ du lịch nên thuộc trách nhiệm của Sở VH-TT&DL, còn Sở VH-TT&DL đổ chuyện quản lý an toàn của phương tiện trên biển là của Sở GTVT.
Rồi đây cơ quan nào sẽ có trách nhiệm chấn chỉnh và quản lý các tàu du lịch, những nhà hàng nổi “hóa thân”? Không thể chấp nhận có tai nạn rồi mới quy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.
Tốt nhất là phải có quy chuẩn, quy định rõ ràng cho từng loại phương tiện phục vụ du khách để người kinh doanh căn cứ vào đó mà đầu tư, để du khách nhìn vào đó nhận diện được đâu là phương tiện an toàn.
Chưa làm được việc này, chính quyền chưa tròn trách nhiệm với dân. Một khi trách nhiệm quản lý còn chìm ở đâu đó thì những phương tiện thiếu an toàn như nhà bè thành nhà hàng vẫn cứ nổi khắp nơi để rình rập tính mạng người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận