Thầy giáo - bác sĩ Hà Thanh Đạt (phải) vẫn thường tham gia các chuyến khám bệnh từ thiện, tư vấn về y khoa - Ảnh: Q.NG.
Bước lên vị trí cao nhất hội thi "Thủ lĩnh sinh viên" TP.HCM khi đang là sinh viên, tốt nghiệp và được giữ lại trường công tác, đến nay anh Hà Thanh Đạt không chỉ được nhắc đến trong vai trò bí thư Đoàn trường mà còn là giảng viên trẻ của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, anh chia sẻ:
- Danh hiệu "Thủ lĩnh sinh viên" giúp tôi mở ra nhiều cơ hội. Tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và học thêm những điều bổ ích. Tôi cũng có dịp chia sẻ với các bạn khác về quan niệm sống, chọn nghề và luôn cố gắng truyền cảm hứng hoạt động phong trào với đàn em.
* Từng muốn trở thành bác sĩ để có thể đến với bệnh nhân tốt hơn nhưng sao anh lại chọn trở thành nhà giáo?
- Thật lòng tôi rất nể các bác sĩ lâm sàng khi đối diện với nhiều vất vả, áp lực của nghề hằng ngày.
Nhưng tôi có đam mê được chia sẻ kiến thức với người khác, muốn góp phần nhỏ vào việc đào tạo bác sĩ tương lai để có thể hình thành đội ngũ sau này đem lại hạnh phúc cho nhiều người mà nếu chỉ cá nhân tôi chắc chắn sẽ không thể làm tốt được.
Tôi đã nghĩ sẽ mở lớp luyện môn sinh học cho những bạn nào thích thi ngành y.
* Anh vừa đoạt giải nhất với một báo cáo tại hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y dược toàn quốc mới đây...
- Tôi may mắn được tham gia đề tài "Khảo sát một số đặc điểm giải phẫu các tế bào sàng sau trên thi hài người Việt Nam, ứng dụng trong phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng" do PGS.TS Phạm Đăng Diệu (phó hiệu trưởng, trưởng bộ môn giải phẫu ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) làm chủ nhiệm.
Đề tài cùng thực hiện với một số anh chị khác trong trường tôi và cả ngoài Hà Nội mà tôi đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo tại hội nghị.
Đề tài đã qua đánh giá của hội đồng y đức, thử nghiệm điều trị trên bệnh nhân sau khi nghiên cứu trên thi hài. Kết quả nghiên cứu khả quan khi cho khả năng tiếp cận xoang sàng giữa và sau khi cần điều trị mà không làm tổn thương xoang sàng trước như cách trước giờ vẫn làm.
* Hình ảnh của thầy giáo Đạt trên lớp sẽ như thế nào?
- Tôi chọn cách cung cấp, chia sẻ trước tài liệu, clip với sinh viên để các bạn chủ động tìm hiểu và giờ lên lớp sẽ cùng nhau thảo luận. Như vậy, sinh viên chủ động hơn trong việc học. Đây cũng là phương pháp đang được nhiều nơi và các thầy cô trường tôi áp dụng.
Tôi dành thêm thời gian nghiên cứu song song đang hoàn thành cao học để nâng cao chuyên môn cho mình. Tôi không ngại chia sẻ đề tài nghiên cứu của mình với sinh viên như cách truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến các bạn, cũng là lúc tôi được học lại, được tạo cảm hứng từ chính các bạn.
Tuyên dương 248 nhà giáo trẻ
Từ hơn 1.400 hồ sơ, hội đồng bình chọn Thành đoàn TP.HCM quyết định tặng giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm 2018 cho 248 thầy cô từ mầm non đến đại học các trường ở TP.HCM.
Trong đó, giáo viên tiểu học chiếm đa số với 108 anh chị.
Các nhà giáo đều từ 35 tuổi trở xuống, tiêu biểu trong đạo đức, chuyên môn và cống hiến, có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong đổi mới phương pháp dạy và học. Lễ vinh danh, trao thưởng diễn ra vào ngày 18-11.
Thầy Nguyễn Văn Ba đến với các em nhỏ mồ côi ở mái ấm tại TP.HCM - Ảnh: Q.NG
Bài giảng từ thực tế cuộc sống
Năm thứ hai liên tiếp được nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp TP, thầy giáo Nguyễn Văn Ba (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) nói đấy là động lực để tiếp tục nghiệp "đưa đò" vốn dĩ anh chưa từng nghĩ đến trước đó.
Nguyễn Văn Ba từng có ý định thôi làm nhà giáo khi đối diện trước những khó khăn của cuộc sống.
Nhưng không gian mỗi buổi lên lớp, ánh mắt học trò đã kéo anh lại, duyên còn nặng đâu nỡ dứt vì "được làm một nghề cao quý".
Dạy giáo dục công dân, mỗi bài học của thầy Ba không chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa mà còn cả những câu chuyện từ thực tế cuộc sống.
"Tôi cố gắng cập nhật các xu hướng, vấn đề thời sự của lứa tuổi các em để sao cho mỗi tiết học đều phải có thông điệp nào đó khiến các em nhớ, vận hành trong cuộc sống hằng ngày" - thầy Ba bộc bạch.
Anh đang hướng dẫn hai nhóm học sinh nghiên cứu đề tài rất sát với tuổi học trò hiện nay: "Giải pháp giảm thiểu tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội ở học sinh" và "Định hướng học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai trong việc tiếp nhận thông tin truyền thông".
Trong đó, giải pháp cơ bản được các nhóm nghiên cứu đề xuất như lời khuyến cáo dành cho học sinh: bảo vệ bản thân khi tương tác trên mạng xã hội; các vấn đề pháp lý bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tìm kiếm thông tin trên các trang chính thống và cần cả sự can thiệp của gia đình, chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em, thầy cô giáo...
"Cộng đồng mạng là một khái niệm mơ hồ, thực ra ngoài sự tỉnh táo mà mỗi bạn tự bảo vệ bản thân, tôi nghĩ phụ huynh phải thật sự quan tâm chuyện con mình tương tác với mạng xã hội" - anh Ba chia sẻ.
Theo thầy giáo 9X quê Hà Tây, nhiều phụ huynh sắm cho con điện thoại xịn, kết nối mạng tốt nhưng hầu như không để ý xem con đang làm gì với không gian mạng và các thiết bị thông minh ấy. Điều đó cần thay đổi cũng là cách giúp các em.
Bạn Phan Hạnh Duyên (lớp 11A7) kể mỗi tiết giảng của thầy đều mang không khí trẻ trung, nhất là các clip thầy chiếu đều truyền tải thông điệp từ thực tế cuộc sống xung quanh, giúp các bạn vào bài học dễ hơn.
"Thầy làm trợ lý thanh niên nên càng gần gũi với học sinh trong mỗi hoạt động. Thầy cũng dẫn nhiều nhóm đến các mái ấm và mỗi chuyến đi đều rất đáng nhớ" - Duyên cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận